Tự ti, mặc cảm vì ngoại hình “quá cỡ”
Cân nặng tăng không phanh sau sinh, giảm cân thất bại nhiều lần, gần 10 năm qua, chị Phương (38 tuổi) sống khép mình, không dám đứng trước đám đông, không dám gặp gỡ bạn bè.
Cuộc gọi đầu tiên với chị Phương, chị dặn: “Chị muốn gặp riêng bác sĩ để khám, không muốn ai đi cùng hay xuất hiện cùng trong phòng bác sĩ”.
Chị kể, trước đó vài hôm, chị dự hội thảo, ngồi dưới mà nơm nớp lo sợ việc bị mời lên chia sẻ trước tất cả mọi người tham dự. Chị ngồi đếm từng giờ từng phút trôi qua, mong cho hội thảo kết thúc thật nhanh để chị ra khỏi căn phòng đó. May thay, một cuộc gọi đến báo có một cuộc họp gấp, chị vội chạy đi. “Ra khỏi phòng, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, chị kể.
Đó là lý do mà chị dặn rất kỹ khi đăng ký khám với bác sĩ Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. “Không muốn có thêm người nào khác”, chị nhắc đi nhắc lại.
Lúc chưa lập gia đình, chị nặng khoảng 52 kg. Sau sinh con đầu lòng, năm 2015, cân nặng chị tăng vọt lên 64 kg. Chị áp dụng chế độ ăn cắt giảm tinh bột triệt để, sau khoảng 6 tháng, chị giảm 12 kg, về lại con số 52 kg.
Thế nhưng, khi chị trở lại chế độ ăn bình thường, ít kiểm soát thì cân nặng lại tăng trở lại. Đến khi mang bầu con thứ hai, trước khi lên bàn sinh, chị nặng 70 kg. Chị Phương lại lần nữa áp dụng chế độ ăn kiêng, 3 tháng, chị giảm 7 kg còn 62 kg. Rồi lại tăng lên 65 kg. Từ năm 2021 đến nay, cân nặng lại tăng liên tục khi chị không có nhiều thời gian chuẩn bị các khẩu phần ăn kiêng, stress công việc; thêm lịch làm việc dày đặc.
Khi đến Trung tâm kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì để khám và điều trị, chị nặng 72,7 kg, BMI 33,7 (kg/m2), mỡ nội tạng 171,6 cm2. Bác sĩ chẩn đoán chị béo phì độ 2, gan nhiễm mỡ độ 2.
“Quá trình giảm cân, tăng cân của tôi là một vòng luẩn quẩn, rất áp lực. Tôi chỉ cần ăn uống như mọi người, đầy đủ ngày 3 bữa là 1 tuần tôi sẽ lên 1-2 kg. Tôi không thể nào kiểm soát được cân nặng của mình”, chị Phương nói.
Chị Phương luôn mặc trang phục màu tối, không muốn gặp ai sau giờ tan làm, cũng chẳng mấy yêu thích cơ thể mình. Chị luôn nhìn những người có vóc dáng cân đối, mảnh khảnh mà ngưỡng mộ, ao ước và tự ti về bản thân. Lần đầu tiên đến khám, chị luôn lấy balo hoặc hai tay để che bụng, che cơ thể mình lại.
Chị kể những lời trêu chọc của đồng nghiệp như “ăn gì chị cũng thấy ngon, làm sao mà chị giảm cân được” hoặc “chị mập mà sao thấy chị ăn hoài vậy”… khiến chị tủi thân. Chị kể đó là những lần chị ăn những món như đậu phộng luộc, bánh tráng chấm muối… để chị qua cơn đói, có năng lượng làm việc.
Suốt gần 10 năm qua, từ khi sinh con đến giờ, chị cảm thấy cơ thể chị đã thay đổi quá nhiều so với thời con gái. Một cơ thể sồ sề chị không dám nhìn vào gương. Số cân nặng chị không dám nhìn lên bàn cân. Cuộc sống của chị quẩn quanh đi làm, về nấu ăn cho chồng con. Chị hạn chế gặp đối tác, bạn bè cũ.
TS.BS. Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, 30% người bệnh đến khám và điều trị thừa cân béo phì cảm thấy e ngại, tự ti về ngoại hình của mình. Họ cũng thường ngại ngùng vì nói về chế độ ăn uống của mình. Vì luôn nghĩ “do mình ăn nhiều nên mới béo phì”. Họ cảm thấy ngoại hình của mình “không như người khác”, so sánh với người khác nên cảm thấy tự ti, tránh tiếp xúc nhiều người.
Mặc cảm, tự ti kéo dài tăng nguy cơ trầm cảm ở người béo phì. Một nghiên cứu cho thấy, trầm cảm là một trong những biến chứng của béo phì. Với BMI hơn 30 kg/m2, tỷ lệ trầm cảm nặng ở người béo phì là 19%. Người mắc bệnh béo phì có nguy cơ trầm cảm tăng 55% theo thời gian, ngược lại, những người bị trầm cảm cũng tăng 58% nguy cơ béo phì, theo Liên đoàn phẫu thuật béo phì thế giới (IFSO). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo rối loạn sức khỏe tâm thần cũng là một trong những yếu tố cần được đánh giá với người bệnh béo phì. [1]
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm, kỳ thị ngoại hình cũng là một vấn đề mà người béo phì phải đối mặt. Họ bị người xung quanh trêu chọc, chỉ trích, hoặc chê bai về cân nặng, dẫn đến cảm giác mặc cảm. Điều này xảy ra trong giao tiếp hàng ngày, trong môi trường công việc, học tập và cả mối quan hệ cá nhân.
Học viện Y khoa Hoàng gia Anh (Royal College of Physicians UK) cho rằng, điều quan trọng với nền y tế là phải xóa bỏ sự kỳ thị liên quan đến béo phì. Đây không phải do lối sống của người ăn quá nhiều mất kiểm soát mà do cơ thể rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng của di truyền và các yếu tố môi trường xã hội như ít có thời gian vận động…
Theo bác sĩ Hoàng, mặc cảm, tự ti ở người béo phì là một vấn đề cần xem xét nghiêm túc để điều trị béo phì thành công. Ngay cả việc đi khám và điều trị, người béo phì cũng dè dặt nên việc tạo không gian riêng tư, dễ chia sẻ để người thừa cân béo phì cảm thấy an toàn, không bị phán xét khi chia sẻ là cực kỳ quan trọng.
Trong quá trình khám và điều trị cho người bệnh thừa cân béo phì, bác sĩ cũng phải tạo sự tin tưởng, thấu hiểu để người bệnh thoải mái chia sẻ; đồng thời thường xuyên theo dõi tiến trình, động viên, hỗ trợ tinh thần để người bệnh hợp tác và quyết tâm trong quá trình điều trị để đạt hiệu quả tối ưu.
Các liệu pháp tâm lý giúp người bệnh tránh rơi vào trạng thái tiêu cực, hướng tới việc xây dựng và duy trì những thói quen lành mạnh, góp phần tích cực vào quá trình điều trị béo phì. Vì điều trị béo phì là một quá trình, cần sự phối hợp nhịp nhàng của đa chuyên khoa như Nội tiết, Dinh dưỡng, Vận Động, thiết bị công nghệ cao và sự quyết tâm của người bệnh.
Comments are closed.