Đi lại bình thường sau 17 năm ung thư di căn xương
Chị Hoài, 42 tuổi, ung thư tuyến giáp di căn tạo u xương lớn dần, gây hủy phần lớn xương đùi, không thể đi lại bình thường suốt 17 năm.
“Trước đây, tôi từng đi khám ở nhiều nơi, bác sĩ sau khi xem hồ sơ bệnh án của tôi, nói rằng khối u đầu trên xương đùi gây hủy xương nhiều, nếu lấy u thì mất chức năng chân phải, rất có thể tôi phải đi nạng suốt đời”, chị Hoài (ngụ TP HCM) chia sẻ.
Ngày 25/9, TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chị Hoài nhập viện trong tình trạng chiều dài hai chân chênh lệch nhau 6 cm. Kết quả chụp X-quang, MRI cho thấy khối u xương lớn gây tổn thương gần hết đầu trên xương đùi, xâm lấn cơ và lan ra các mô mềm xung quanh.
Chị Hoài kể lại hành trình gần 20 năm khó khăn của mình. Năm 2007, chị bị đau ở vùng đùi chân phải nên đi khám. Kết quả chụp chiếu và sinh thiết cho thấy chị có khối u tuyến giáp, di căn đến xương. Chị được can thiệp loại bỏ u xương đùi. Sau đó, chị lại bị chấn thương gãy cổ xương đùi, tiếp tục mổ kết hợp xương bằng đinh nội tủy và gia cố lại xương bằng xi măng sinh học. Tuy nhiên từ đó, chị không thể đi lại bình thường, chân thấp chân cao. Đặc biệt, 4 năm gần đây chị đau đớn nhiều, phải dùng nạng di chuyển khó khăn, nhiều lúc không thể đi lại. Tất cả sinh hoạt đều nhờ người thân giúp đỡ.
Chị Hoài đã đi khám nhiều bệnh viện nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. “Khối u xương đùi của chị Hoài sẽ tiếp tục tăng kích thước, gây đau đớn và hủy xương tăng dần, nguy cơ tàn phế”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn nhận định đây là ca phẫu thuật khó và phức tạp vì khối u quá lớn, phần đầu trên xương đùi bị hư hỏng cần cắt bỏ khá dài. Đặc biệt, lòng tủy xương đùi tự nhiên của người bệnh không rộng, rất khó để tìm ra loại khớp nhân tạo phù hợp.
Phẫu thuật làm sao vừa loại bỏ khối u nhưng phải bảo tồn chức năng đi lại, sinh hoạt cho người bệnh là một thách thức lớn. Nếu phẫu thuật cắt rộng lấy bỏ khối u sẽ để lại khuyết hổng xương lớn ở thân và đầu trên xương đùi. Lúc đó, cần có một loại khớp háng cá thể hóa riêng biệt phù hợp cho người bệnh. Bác sĩ Tuấn cho biết để làm được điều này cần đánh giá mức độ khuyết xương qua hình ảnh CT, từ đó dựng hình mô phỏng, thiết kế chế tạo dụng cụ với hình dáng và kích thước đúng với kích thước thật của người bệnh qua công nghệ in 3D. Điều này đòi hỏi thời gian và chi phí rất cao.
Sau hội chẩn, thảo luận với người bệnh và thân nhân, phương pháp điều trị được bác sĩ đưa ra là phẫu thuật cắt khối u và thay khớp háng cho người bệnh.
Kế hoạch phẫu thuật được đặt ra là tắt mạch máu nuôi u trước phẫu thuật 24 giờ để hạn chế chảy máu trong lúc mổ. Sau đó phẫu thuật loại bỏ khối u và các thành phần xương, mô đã tổn thương ở đầu trên xương đùi và thực hiện thay khớp.
Sau khi phân tích trên phần mềm TraumaCad, bác sĩ đã lựa chọn khớp modular để thay cho người bệnh. Đây là loại khớp có thể điều chỉnh chiều dài phần chuôi khớp, nhờ đó, gia cố và giữ lại được chiều dài tối đa của thân xương đùi. Ngoài ra, chọn chuôi khớp cũng có kích thước nhỏ, phù hợp với lòng tủy của người bệnh, tránh được nguy cơ nứt, gãy xương.
Sau 4 giờ làm việc, ê kíp đã thành công bóc tách ra được khối u nặng 500gr, loại bỏ phần đầu trên xương đùi đã hư, xi măng và đinh nội tủy từ lần phẫu thuật trước. Đồng thời, khớp háng nhân tạo toàn phần dạng modular được lắp vào và cân chỉnh lại chiều dài hai chân người bệnh.
Người bệnh cho biết cảm thấy tình trạng sức khỏe tốt lên rõ rệt, có thể tự đứng lên ngồi xuống. Điều mà trước đây chị không thể tự làm được nếu không được giúp đỡ. Cơn đau ở chân trước khi mổ hành hạ khiến chị ăn ngủ không yên, thậm chí phải truyền thuốc giảm đau. Thế nhưng, chỉ 6 ngày sau phẫu thuật, cơn đau ám ảnh đó đã giảm đáng kể.
Tiến sĩ Tuấn cho biết, vì phải cắt bỏ một đoạn dài ở đầu trên xương đùi nên các cơ mông đùi mất đi chỗ bám. Vì vậy, người bệnh không thể đi lại ngay, cần mất khoảng hơn 6 tuần để các mô, cơ bám chặt vào khớp nhân tạo. Lúc này, người bệnh có thể bắt đầu tập chống chân khi đi lại, tránh được nguy cơ trật khớp sau này. Sau 3 tháng, chị Hoài đi lại được nhẹ nhàng với hỗ trợ của nạng.
Tiên lượng sau mổ 6 tháng, người bệnh có thể đi lại và khôi phục sinh hoạt cần thiết như bình thường. Chị Hoài cần tránh lao động nặng hay thể thao. Đối với bệnh tuyến giáp, người bệnh tiếp tục điều trị với chuyên khoa ung bướu.
Ung thư tuyến giáp di căn xương là tình trạng các tế bào ung thư từ ổ nguyên phát di căn tới tổ chức xương, gây tổn hại tới cấu trúc của xương. Đây là ung thư đã đi vào giai đoạn muộn. Hệ thống xương được đánh giá là cơ quan dễ bị di căn nhất.
Bác sĩ Tuấn cho biết hiện chưa có phương pháp nào điều trị ung thư di căn xương dứt điểm. Các lựa chọn điều trị giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, thuyên giảm triệu chứng, hạn chế tình trạng di căn của khối u tiến triển, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.