Khi nào chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư?
Chăm sóc giảm nhẹ bao gồm các hoạt động giúp người bệnh giảm nhẹ sự đau khổ về thể chất và tinh thần, nên được thực hiện ngay khi có chẩn đoán bệnh ung thư và tiếp tục duy trì suốt quá trình điều trị.
Người bệnh ung thư thường gặp nhiều triệu chứng nặng nề từ căn bệnh và tác dụng phụ cũng như từ biến chứng của các phương pháp điều trị. Người bệnh có thể trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực: lo lắng, sợ hãi, buồn phiền…
Bác sĩ CKI Vũ Trần Minh Nguyên, khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết sự tiến bộ của y học hiện đại giúp chú trọng vào điều trị bệnh tật cũng như tập trung đến các cơ quan và phân tử; nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến việc kiểm soát triệu chứng và các vấn đề tâm lý của người bệnh. Điều này góp phần khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc trao đổi, chia sẻ cảm xúc dẫn đến các rối loạn tâm lý càng trở nên nghiêm trọng.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, chăm sóc giảm nhẹ là sự kết hợp nhiều biện pháp để làm giảm sự đau khổ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chăm sóc giảm nhẹ được lồng ghép trong quá trình điều trị ung thư nhằm kiểm soát các triệu chứng gây khó chịu về thể chất và tinh thần, giảm tác dụng phụ do điều trị, từ đó giúp cải thiện sự tuân thủ điều trị và tăng hiệu quả điều trị ung thư. Đối với mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ xây dựng mục tiêu chăm sóc và lập kế hoạch điều trị phù hợp.
Nhiều người hiểu lầm rằng người bệnh ung thư giai đoạn cuối mới cần chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, chăm sóc giảm nhẹ cần được thực hiện từ khi chẩn đoán bệnh ung thư, kết hợp cùng các phương pháp điều trị đặc hiệu khác như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.
Khi các liệu pháp điều trị đặc hiệu không còn hiệu quả, không khả thi hoặc không còn phù hợp, chăm sóc giảm nhẹ càng quan trọng hơn. Thậm chí sau khi bệnh nhân mất, chăm sóc giảm nhẹ vẫn có thể được cung cấp cho gia đình nhằm hỗ trợ thân nhân vượt qua nỗi đau mất mát.
Người bệnh ung thư có thể được chăm sóc giảm nhẹ từ các bác sĩ, điều dưỡng khoa Ung Bướu hoặc khoa Chăm Sóc Giảm Nhẹ. Đồng thời, nhóm chăm sóc giảm nhẹ còn bao gồm nhiều thành viên khác như bác sĩ dinh dưỡng, chuyên viên vật lý trị liệu, nhân viên y tế xã hội… Mỗi thành viên sẽ có các vai trò khác nhau, khi phối hợp với nhau sẽ giúp tối ưu hiệu quả điều trị cho người bệnh. Các thành viên trong gia đình người bệnh cũng có thể tham gia vào việc chăm sóc giảm nhẹ sau khi được hướng dẫn về các nguyên tắc và kỹ năng chăm sóc.
Người bệnh ung thư có thể gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu, trong đó một số triệu chứng phổ biến bao gồm: đau nhức, khó thở, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn ói… Các triệu chứng biểu hiện càng nặng khi tình trạng ung thư diễn tiến xấu hơn. Chăm sóc giảm nhẹ đánh giá toàn diện các triệu chứng về thể chất, từ đó thiết lập kế hoạch chăm sóc và điều trị phù hợp. Một trong những vai trò quan trọng nhất của chăm sóc giảm nhẹ chính là giúp bệnh nhân tiếp cận với những phương pháp điều trị giảm đau, trong đó có thuốc Opioid đối với những trường hợp bệnh nhân đau hoặc khó thở nhiều.
Bác sĩ Nguyên cho biết ngoài việc kiểm soát triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ còn cung cấp các điều trị hỗ trợ khác như can thiệp dinh dưỡng, vật lý trị liệu, tâm lý… Đồng thời, sự quan tâm, động viên từ thân nhân sẽ giúp người bệnh cải thiện các vấn đề tinh thần, có thêm nghị lực để tiếp tục điều trị bệnh.
Người bệnh ung thư và thân nhân có thể đến các bệnh viện có khoa Ung Bướu hoặc khoa Chăm Sóc Giảm Nhẹ để được tư vấn về các liệu pháp điều trị. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện tại bệnh viện hoặc tại nhà, nơi sinh sống của người bệnh.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.