Biến dạng hai đầu gối, cụ bà phải thay khớp để đi lại
Bà Phước, 68 tuổi, không thể đi lại do khớp gối thoái hóa, biến dạng, vẹo trục, xuất hiện gai xương; phải thay khớp nhân tạo mới đi lại được.
Bà Phước, ngụ Long An, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám trong tình trạng đau nhiều ở khớp gối hai chân, ngồi xe lăn. Hơn 10 năm trước, bà bị té do hụt chân khi bước xuống thềm, đầu gối đập xuống đất, gây lệch khớp. Người bệnh không chạy chữa triệt để do lúc đó vẫn đi lại được. Theo thời gian, chân trái ngày càng cong hơn, bà không thể choàng chân khi lên xe máy. Bà thường xuyên té ngã, từng té hở xương vai, rách gân chóp xoay.
ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả chụp X-quang cho thấy khớp gối ở cả hai chân người bệnh đều bị tổn thương nặng nề. Trong đó, khớp gối trái đã biến dạng hoàn toàn, bán trật, dây chằng tổn thương nặng, xuất hiện nhiều gai xương và vẹo trục đến 36 độ. Khớp gối bên phải cũng thoái hóa giai đoạn cuối nhưng tổn thương nhẹ hơn, vẹo trục 13 độ.
“Thay khớp gối nhân tạo là phương pháp duy nhất giúp người bệnh khôi phục khả năng đi lại và chân trái cần được ưu tiên phẫu thuật trước”, bác sĩ Lưu cho biết.
Ca phẫu thuật thay khớp cho bà Phước còn đối mặt khó khăn vì các dây chằng đã bị tổn thương hoàn toàn. Bác sĩ Lưu giải thích, dây chằng đầu gối gồm 4 sợi là dây chằng chéo trước, chéo sau, bên trong và bên ngoài. Các dây chằng chịu trách nhiệm ổn định khớp, ngăn chặn các chuyển động bất thường của xương. Tuy nhiên, ở trường hợp của bà Phước, gần như tất cả các dây chằng ở khớp gối đều đã mất chức năng, do đó, nếu thay khớp gối nhân tạo thông thường, nguy cơ trật khớp và mất ổn định khớp sau phẫu thuật rất cao.
Sau khi phân tích trên phần mềm TraumaCad chuyên dụng trong thay khớp, bác sĩ đã lựa chọn khớp gối bản lề để thay cho người bệnh. Đây là loại khớp gối nhân tạo với thiết kế đặc biệt, có thể thay thế chức năng của các dây chằng, bù lại sự mất vững của dây chằng bên trong và bên ngoài. Nhờ đó, sau phẫu thuật, người bệnh có thể gập duỗi chân dễ dàng và đi lại bình thường.
Trong quá trình phẫu thuật, tình trạng vẹo trục chân cũng được điều chỉnh, chân trái thẳng lại theo đúng giải phẫu tự nhiên. Toàn bộ ca mổ diễn ra trong 2 tiếng.
Ngày thứ 4 sau mổ, người bệnh có thể đi bằng khung, co duỗi gối, cơn đau giảm đáng kể, chỉ còn đau nhẹ tại vị trí vết mổ. Chân trái thẳng ra rõ rệt. Người bệnh được xuất viện vào ngày tiếp theo.
Sau phẫu thuật, người bệnh bước vào giai đoạn tiếp theo của quá trình điều trị là tập phục hồi chức năng. Do tình trạng thoái hóa khớp đã kéo dài hơn 10 năm nên gân cơ vùng gót, cẳng chân đã bị co rút khá nhiều, cần khoảng 2 – 4 tuần để tập gấp duỗi và căng cơ.
Đối với tình trạng thoái hóa khớp bên phải, người bệnh sẽ được phẫu thuật sau khi chân trái đã phục hồi tốt. Ca mổ được thực hiện với mục tiêu thay khớp gối nhân tạo, điều chỉnh lại trục chi và cân bằng chiều dài hai chân. Từ đó, giải phóng người bệnh khỏi đau đớn, khôi phục tối đa khả năng đi lại, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Lưu cho biết, trường hợp bà Phước, bệnh tiến triển nặng do thoái hóa khớp gối kéo dài rất lâu và không được điều trị đúng cách, kịp thời. Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo thoái hóa khớp giai đoạn sớm như sưng đau khớp gối, hạn chế vận động… người bệnh nên chủ động đi khám sớm. Nhờ đó, giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và kéo dài tuổi thọ của khớp tự nhiên.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.