Sơ cứu, cấp cứu đúng cách, kịp thời cứu bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim
Sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách là bước quan trọng đầu tiên giúp tăng khả năng sống cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bên cạnh đó, các tai nạn thường gặp trong sinh hoạt như tai nạn giao thông, té ngã, hóc dị vật… cũng dễ để lại di chứng nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu trong “giờ vàng”. Vậy đâu là dấu hiệu cảnh báo và cách sơ cấp cứu cho người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim như thế nào?
Những vấn đề trên đã được các các chuyên gia, bác sĩ của Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trung tâm Tim mạch và Khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh đã giải đáp trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Sơ cứu, cấp cứu đột quỵ, nhồi máu cơ tim & các tai nạn thường gặp – Những điều cần thiết để cứu sống người bệnh” vào 20h thứ Năm, ngày 8/8/2024. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Các triệu chứng của đột quỵ xuất hiện một cách đột ngột, người bệnh có thể tử vong rất nhanh, hoặc nếu vượt qua giai đoạn cấp cứu, có thể để lại nhiều di chứng nặng về sau.
Ở bệnh nhân bị đột quỵ, vùng não có thể bị tắc mạch máu hoặc vỡ mạch máu, gây tổn thương và làm ảnh hưởng đến chức năng vùng đó. Chức năng vùng não bị ảnh hưởng sẽ có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Ba triệu chứng mà người dân dễ nhận biết nhất và chiếm tỷ lệ đa phần ở những người đột quỵ là méo mặt, yếu liệt tay hoặc chân, nói khó.
Trong tiếng Anh, người ta dùng dùng chữ “FAST” (viết là F.A.S.T) để chỉ về ba triệu chứng này. F là face (mặt) là nếu có liệt mặt, A là arm (tay) nếu có liệt tay, còn S là speech (lời nói) nếu nói khó, T là time nghĩa là cần liên hệ cấp cứu ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ.
Tại Trung tâm Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh, đội ngũ cấp cứu luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó nhanh chóng và chuyên nghiệp với các trường hợp nghi ngờ đột quỵ. Khi có dấu hiệu đột quỵ, quy trình cấp cứu chuyên biệt được kích hoạt ngay lập tức. Đội ngũ bác sĩ từ các chuyên khoa liên quan, bao gồm cấp cứu, phẫu thuật thần kinh, và can thiệp mạch máu, đều chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý tình huống ngay khi bệnh nhân đến, đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian cấp cứu và tăng cơ hội hồi phục cho bệnh nhân.
Chia sẻ về tình hình tiếp nhận điều trị các ca đột quỵ trong thời gian gần đây tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TS.BS Lê Văn Tuấn cho biết, BVĐK Tâm Anh nằm ở vị trí đông dân cư và nhiều trường hợp được cấp cứu thành công. Nhờ đó, nhiều người biết được bệnh viện có trung tâm điều trị đột quỵ và số lượng người đến khám đông ngày càng đông hơn.
Đột quỵ có nhiều loại, nhưng “giờ vàng” thường là chỉ trường hợp đột quỵ nhồi máu não. Nếu một mạch máu bị tắc, máu đến vùng lõi, vùng chính sẽ không nhận được máu. Não sẽ chết nếu không nhận máu trong vòng 5 phút. Tuy nhiên, các phần xung quanh được các mạch máu khác tới, gọi là “vùng tranh tối tranh sáng“ có thể không hoạt động chức năng, nhưng vùng đó vẫn còn sống được. Nếu hồi sức được vùng này, khả năng người bệnh vẫn có thể hồi phục được.
Quy trình cấp cứu bệnh nhân đột quỵ trước đây là một tiếng rưỡi, nhưng hiện nay rút lại còn 45 phút. Tại Tâm Anh, chúng tôi đã có những trường hợp thực hiện chỉ 15 phút hoặc 30 phút, quy trình được thực hiện đúng, nhanh, tốc độ. Vì nếu càng để lâu, “vùng tranh tối tranh sáng” sẽ biến thành vùng lõi, mỗi một giờ trôi qua người bệnh sẽ phải mất 3,7 năm.
Thời gian cho phép điều trị từ lúc xuất hiện triệu chứng đến khi được truyền thuốc là 4 giờ rưỡi. Nếu đã qua thời gian này, người bệnh vẫn cần được đưa đến bệnh viện vì có thể không còn truyền thuốc được, nhưng còn những phương pháp điều trị khác.
Theo ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, rất nhiều người không biết bản thân hoặc người xung quanh bị nhồi máu cơ tim vì triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác. Khi đó, người bệnh thường cố gắng cạo gió hoặc nghĩ bị cảm, uống panadol… Chính vì vậy, mỗi người chúng ta cần nắm rõ những triệu chứng thường gặp của nhồi máu cơ tim là: đau ở vùng ngực sau ức, ngực trái, khó thở, cảm giác đè nặng, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, tê mỏi ở hai tay, hai vai hoặc cứng hàm, nghẹn cổ…
Khi có những triệu chứng này, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất hoặc liên hệ cấp cứu 115 ngay. Vì càng trì hoãn, tính mạng người bệnh càng nguy hiểm, trái tim bị hoại tử nhiều, nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim và để lại di chứng về sau. Thậm chí có những trường hợp không tới được bệnh viện, có thể ngưng tim trên đường hoặc ngưng tim tại nhà.
Có rất nhiều những trường hợp tai nạn đến cấp cứu hàng ngày, nhưng đa phần người thân sơ cấp cứu sai, BS.CKI Hồng Văn In cho biết. Nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề. Ví dụ bệnh nhân bị chấn thương cột sống cổ, người thân không nhận định được nên sơ cấp cứu sai cách, dẫn đến chèn ép tủy cổ, liệt toàn thân.
Hoặc trong sinh hoạt hằng ngày bị vết thương mạch máu, nhiều người thường lấy thuốc lá để đắp lên khiến vết thương dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều phải hết sức chú ý, xem các tình huống sơ cấp cứu để cấp cứu cho đúng.
Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:
1. Có thể sơ cứu đột quỵ bằng cách đâm kim vào ngón tay không?
Bà em 75 tuổi, bị tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, mỡ máu cao, đi khám bác sĩ nói có nguy cơ cao đột quỵ. Nếu chẳng may xảy ra đột quỵ, người thân nên sơ cứu cho bà như thế nào trong khi chờ cấp cứu? Nhiều người ở xóm em nói sử dụng kim đâm vào đầu ngón tay để xử trí ban đầu cho người bệnh đột quỵ não, thì có đúng không ạ?
Việc chích vào đầu ngón tay không có cơ sở khoa học, nhưng có thể kích thích đau, nếu người bình thường kích thích đau họ tỉnh lại. Về mặt điều trị đột quỵ thì không có bất kì cơ sở nào trong trường hợp này.
Bà của bạn Thùy Dương đã 75 tuổi, có tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid là những yếu tố nguy cơ đột quỵ. Trong trường hợp bà của bạn bị đột quỵ, trước tiên cần kiểm tra các dấu hiệu về đường thở, mạch huyết áp. Không được tự ý cho người bệnh uống bất kỳ loại thuốc nào mà cần nhanh chóng liên hệ cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian nhanh nhất để được điều trị kịp thời.
2. Dịch vụ cấp cứu ngoại viện tại Tâm Anh
Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về dịch vụ cấp cứu đột quỵ ngoại viện, bác sĩ đến tận nhà sơ cứu, chuyển viện do Bệnh viện Tâm Anh đang triển khai? Nhà ngoại em ở Phú Nhuận thì Bệnh viện Tâm Anh có hỗ trợ cấp cứu đột quỵ tại nhà? Xin cảm ơn bác sĩ!
Hiện nay, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh đã triển khai dịch vụ cấp cứu ngoại viện từ những ngày đầu thành lập. Khoảng 3 tháng trước, bệnh viện đã tham gia vào hệ thống cấp cứu 115 của thành phố và đã tiến hành sơ cấp cứu cho nhiều trường hợp.
>>> Xem thêm: Cấp cứu ngoại viện cơ hội sống cho bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim
Để sử dụng dịch vụ, bạn có thể gọi vào hotline 02871026789, bấm line số 3 để được kết nối trực tiếp với đội cấp cứu. Xe cấp cứu sẽ được điều động ngay lập tức và có mặt trong vòng 10 – 15 phút nếu trong bán kính gần. Hoặc bạn có thể gọi số cấp cứu 115 hệ thống cấp cứu thành phố sẽ chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
3. Bị bệnh mạch vành có triệu chứng tức ngực, khó thở có phải nhồi máu cơ tim không?
Mẹ tôi 68 tuổi, bị bệnh mạch vành (động mạch liên thất trước hẹp 60%, động mạch vành phải hẹp 70%), uống thuốc đều đặn, chưa chỉ định đặt stent. Khoảng 2 tháng nay mẹ tôi hay bị giật bên lưng trái, mỗi lần giật mạnh và đau. Mỗi lần như vậy mẹ rất mệt, tức ngực và không thở nổi. Triệu chứng này xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Tôi lo lắng không biết đây có phải dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim không? Làm gì để phòng ngừa? Mong bác sĩ tư vấn giúp ạ!
Mẹ của bạn khá là lớn tuổi, trước đây có được chụp mạch máu tim, ghi nhận mạch máu tim bên trái hẹp đến 60%, mạch máu tim bên phải hẹp 70%. Tình trạng này có thể tiến triển xấu hơn, dẫn đến nhồi máu cơ tim nếu các mảng xơ vữa nứt hoặc vỡ. Triệu chứng đau lưng của mẹ bạn có thể liên quan đến thần kinh cột sống, gây áp lực và làm tình trạng thiếu máu cơ tim nặng thêm.
Vì vậy, bạn nên đưa mẹ đi khám để xác định nguyên nhân đau lưng và có phương pháp điều trị thích hợp. Đồng thời, việc phòng ngừa xơ vữa động mạch bằng thuốc và thay đổi lối sống là cần thiết để cải thiện sức khỏe tim mạch của mẹ bạn.
4. Phân biệt nhồi máu cơ tim điển hình và nhồi máu cơ tim thầm lặng
Bác sĩ có thể nói rõ hơn về nhồi máu cơ tim điển hình và nhồi máu cơ tim thầm lặng? Ở trường hợp nhồi máu cơ tim thầm lặng, làm sao để chúng ta có thể kiểm soát?
Nhồi máu cơ tim điển hình là tình trạng bệnh có các triệu chứng như đau nặng ngực ở vùng ngực sau xương ức, đau vùng ngực trái, lan lên vùng cổ, cảm giác nghẹn ở cổ, cứng hàm, mỏi, tê mỏi hai vai, hai cánh tay, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn… Triệu chứng kéo dài 5 – 10 phút, thậm chí 1 tiếng.
Tuy nhiên, có những trường hợp thầm lặng, không điển hình, không có biểu hiện, bệnh nhân đột ngột tim suy yếu và tử vong. Có những trường hợp bệnh nhân đo điện tâm đồ phát hiện thiếu máu cơ tim nguy kịch nhưng người bệnh hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng. Đó là trong nhóm nhồi máu cơ tim thầm lặng.
5. Cơ hội cứu chữa cho bệnh nhân đột quỵ
Chào bác sĩ, theo em được biết thì thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là từ 3-6 giờ đầu. Vậy nếu một người bị đột quỵ bỏ lỡ thời gian này thì cơ hội cứu chữa sẽ giảm ra sao, các phương pháp cấp cứu hiện đại có giúp nâng cao hiệu quả cấp cứu đột quỵ ko?
Thời gian chuẩn được cho phép truyền thuốc hiện tại là trong vòng 1 giờ rưỡi, từ lúc bị bệnh đến lúc được truyền thuốc. Sau thời gian 3-6 giờ, nếu không thể truyền thuốc được, bác sĩ có thể thực hiện lấy huyết khối cơ học. Các kỹ thuật này giúp giảm tỷ lệ tàn phế. Tùy vào trường hợp các bác sĩ sẽ cân nhắc đánh giá có thể thực hiện được hay không. Có nhiều trường hợp đặc biệt, sau 24 giờ vẫn có thể thực hiện, vẫn có thể cứu được và giảm tỷ lệ tàn phế. Do đó, nếu có dấu hiệu đột quỵ hãy cứ đến bệnh viện sớm nhất.
6. Thời gian vàng sơ cấp cứu cho người bệnh nhồi máu cơ tim cấp
Với người bệnh nhồi máu cơ tim cấp, thời gian vàng sơ cấp cứu nào có thể giúp người bệnh tăng cơ hội sống thưa ThS.BS.CKII Võ Anh Minh?
Có những trường hợp nhồi máu cơ tim thượng nguồn mạch máu, người bệnh có thể tử vong ngay lập tức, hoặc nhồi máu cơ tim ở những nhánh xa không quan trọng có thể không ngưng tim liền. Trong 1-2 giờ đầu khi có triệu chứng, cơ tim ít hoại tử nhất, hãy đến ngay bệnh viện trong thời gian đó, người bệnh sẽ a có nhiều hy vọng hơn, ít di chứng hơn và có cơ hội sống cao hơn.
7. Phân biệt trúng gió với đột quỵ
Thưa bác sĩ, làm sao để phân biệt giữa trúng gió với đột quỵ? Và cho tôi hỏi thêm, khi có người nhà ngất thì nên đưa đến bệnh viện trong thời gian nào là tốt nhất? Và hiện tại Tâm Anh chữa đột quỵ có những phương pháp nào mới và có hiệu quả cao không ạ?
Để phân biệt được hai tình trạng này là vô cùng khó, ngay cả những chuyên gia nhiều khi cũng chưa phân biệt được. Có những trường hợp người bệnh nằm ngã quỵ do đột quỵ, nhưng nhiều khi đó chỉ là hạ đường huyết, choáng xỉu và sẽ tỉnh lại. Nhưng cũng có những trường hợp người bệnh đang bình thường nhưng sau đó lại có triệu chứng của cơn đột quỵ. Trường hợp này cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Đối với cách sơ cứu người bị ngất, trước tiên cần xem bệnh nhân ngã quỵ có tình trạng nặng hay không, kiểm tra đường thở, tuần hoàn, nhịp tim… Nếu ở nhà có máy huyết áp thì hãy kiểm tra ngay và gọi đến bệnh viện hoặc đưa người thân đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn rõ hơn.
8. Phân biệt ngất do nhồi máu cơ tim và ngất vì nguyên nhân khác
Làm sao để phân biệt ngất do nhồi máu cơ tim hay ngất vì nguyên nhân khác?
Khi một người bị ngất được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, các bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân gây ngất do tim, do não, hạ đường huyết hay rối loạn điện giải… Để phân biệt ngất do tim hay do não, cần có những xét nghiệm cơ bản hoặc đánh giá ban đầu của chuyên gia y tế.
Nếu ngất do tim, do nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần được đo điện tim hoặc xét nghiệm men tim. Ngất do não cần phải chụp CT hoặc MRI; ngất do hạ đường huyết cần kiểm tra đường huyết hoặc xét nghiệm điện giải đồ, xét nghiệm máu.
9. Cách giảm nguy cơ di chứng sau đột quỵ
Theo tôi được biết người bệnh đột quỵ dễ bị di chứng như yếu liệt một hoặc cả hai bên cơ thể, nói ngọng, khó ăn uống… Vì sao như vậy, thưa bác sĩ? Có cách nào giảm nguy cơ di chứng sau đột quỵ không bác sĩ? Tôi thấy có người yếu liệt do đột quỵ nhưng điều trị xong đi lại được, nhưng có người lại không. Mong được bác sĩ giải đáp!
Não bộ có nhiều vùng chức năng như vận động, cảm giác, ngôn ngữ, thị giác… Khi một vùng bị tổn thương, chức năng tương ứng cũng bị ảnh hưởng. Có trường hợp tổn thương nhẹ có thể hồi phục nhưng tổn thương nặng và cấp cứu muộn có thể dẫn đến không thể phục hồi.
Phòng ngừa đột quỵ là biện pháp tối ưu. Nếu đã xảy ra đột quỵ, cần điều trị kịp thời và hiệu quả để hỗ trợ phục hồi chức năng và tái lập tế bào thần kinh. Ngoài ra, cần điều chỉnh tối đa các yếu tố nguy cơ, phòng ngừa vẫn tốt hơn. Việc tầm soát có thể nhận biết bệnh nhân đang cỡ nguy cơ nào để điều trị chuyên khoa phù hợp với nguy cơ đó.
10. Hướng dẫn cách sơ cấp cứu cơ bản
Rất nhiều khán giả muốn hỏi kiến thức sơ cấp cứu cơ bản dành cho người bệnh, như xử lý vết thương, đặc biệt là vết thương chảy máu ồ ạt; Sơ cấp cứu cứu người đuối nước, sơ cấp cứu người hóc dị vật, sơ cấp cứu cho người bị té ngã có tổn thương đến xương… Bác sĩ có thể tư vấn kỹ từng trường hợp để quý khán giả hiểu thêm đc ko ạ?
Những trường hợp sơ cấp cứu này cần phải có kiến thức cơ bản để xử trí hợp lý. Về xử lý vết thương chảy máu nhiều, chúng tôi khuyên nên dùng những dụng cụ như gạc sạch để chèn vào, hạn chế sự chảy máu và nguy cơ mất máu. Không nên lấy các dị vật như xác thuốc lá, tàn nhang để cầm máu, gây nhiễm trùng, chảy máu nặng hơn và dị vật vào vết thương gây nguy hiểm.
Vết thương chảy máu nhiều nên dùng gạc sạch (vải mùng), nhúng nước và ép chặt trực tiếp lên vết thương và cố gắng băng để hạn chế chảy máu, sau đó đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu và ngăn ngừa uốn ván.
Về đuối nước, nên xem bệnh nhân có ngưng tim ngưng thở không, cần ép nước ra ngoài, để đầu bệnh nhân nghiêng tránh nước tràn vào phổi gây suy hô hấp. Khi xử lý đuối nước, điều đầu tiên cần làm là kiểm tra xem bệnh nhân có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở không.
Nếu có, hãy cố gắng ép nước ra khỏi phổi bằng cách nghiêng đầu bệnh nhân để tránh nước tràn vào phổi gây suy hô hấp. Nếu bệnh nhân bị hóc dị vật, bạn có thể thực hiện kỹ thuật Heimlich. Hãy tham khảo thêm video hướng dẫn cụ thể trên YouTube, Google hoặc từ các khóa học để áp dụng đúng cách, đặc biệt là với trẻ sơ sinh, trẻ em.
Khi bị té ngã dẫn đến gãy xương, việc sơ cứu không đúng cách có thể làm tình trạng trở nên nghiệm trọng hơn, thậm chí dẫn đến tàn tật với những di chứng nặng nề. Nếu gãy xương tay chân, về nguyên tắc nên sơ cứu là cần phải nẹp cố định khớp. Nếu di chuyển và sơ cấp cứu không đúng có thể gây di chứng nguy hiểm cho bệnh nhân, đặc biệt là chấn thương cột sống cổ.
11. Sơ cứu nạn nhân đột tử
Vừa qua em có đọc báo và thấy nhiều trường hợp đột tử sau khi chơi cầu lông như vận động viên người Trung Trương Chí Kiệt và nguyên nhân được nhắc đến là do bệnh tim mạch. Em và gia đình cũng rất thích chơi cầu lông và thường xuyên chơi.
Nhưng xem thông tin nhiều trường hợp đột tử khi chơi thì hơi e ngại. Liệu với những trường hợp này thì việc sơ cứu nạn nhân được thực hiện như thế nào là chính xác và nếu sơ cứu đúng cách, nhanh chóng thì tỷ lệ sống của bệnh nhân cao không? Làm sao để phòng ngừa các vấn đề về đột tử khi chơi cầu lông ạ?
Đột tử có thể xảy ra bất ngờ, ở bất kỳ đâu và trong bất kỳ hoạt động nào, kể cả khi chơi cầu lông. Đây là một hoạt động gắng sức và nguy cơ đột tử có thể khác nhau ở người trẻ và người lớn tuổi. Trong tình huống bệnh nhân đang chơi tự nhiên ngã đùng xuống, ngưng tim bất tỉnh, cần lập tức gọi cấp cứu, xoa bóp tim vào lồng ngực. Cố gắng dùng hai bàn tay chắp lên nhau, đưa lên đè giữa xương ức, quỳ sát người và xoa bóp tim vào lồng từ từ 100 – 120 lần /phút. Giúp tim đập nhân tạo nhờ xoa bóp đưa máu lên não.
Nhân viên cấp cứu sẽ đánh giá nhịp tim và xem có thể sốc điện được để giúp nhịp tim đập trở lại không. Xoa bóp tim là bước quan trọng để duy trì sự sống của các tế bào não cho đến khi đội ngũ y tế can thiệp. Mọi người có thể học được kỹ năng cấp cứu trên YouTube để biết được cần phải làm gì khi người thân gặp những tình huống trên và phải bình tĩnh để xử lý.
Nên tầm soát tim để phát hiện nguy cơ tiềm ẩn, kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, đường huyết và những bệnh lý tim tiềm ẩn để có thể tự tin chơi thể thao bình thường.
12. Tầm soát nguy cơ đột quỵ bằng máy chụp CT 1975 lát cắt
Tôi 42 tuổi, dạo gần đây dễ bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đi lảo đảo. Thỉnh thoảng một bên cánh tay và mặt hơi nặng và mỏi. Tôi đang lo mình có nguy cơ đột quỵ. Tôi nghe nói bệnh viện Tâm Anh có máy chụp CT 1975 lát cắt giúp tầm soát sớm các nguy cơ đột quỵ. Trường hợp của tôi có thể tầm soát đột quỵ và các bệnh về não bằng máy này không? Hay cần phải làm thêm các xét nghiệm, chụp chiếu gì?
Quan tâm đến sức khỏe ở độ tuổi 42 là vô cùng đúng đắn. Các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, cánh tay hơi nặng và mỏi nên được thăm khám, tầm soát nguy cơ đột quỵ cũng là vấn đề nên thực hiện.
Tầm soát đột quỵ phối hợp nhiều kỹ thuật khác nhau. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm tim, đo điện tâm đồ, siêu âm mạch máu ở vùng cổ. Đánh giá não có thể thực hiện hai phương pháp là:
- Chụp cộng hưởng từ: Đây là kỹ thuật dùng khối nam châm trong máy có tính chất từ trường và người ta ghi nhận thay đổi của não khi có từ trường vào.
- Chụp CT bằng máy CT 1975: Máy CT 1975 là một máy mới, tốc độ 1 vòng quay sẽ chụp 1975 lát cắt, giúp thuận lợi chụp não, chụp ngực, chụp chân rất nhanh; đồng thời, lượng tia X giảm đi rất nhiều.
13. Hướng dẫn hồi sức tim phổi
Em nghe nói có trường hợp người bệnh ngưng tim ngưng thở mà được cấp cứu đúng cách thì khả năng tim đập lại rất cao. Nhà em có người cao tuổi có bệnh tim nên em rất muốn trang bị thêm kiến thức để phòng trường hợp xấu xảy ra. Vậy bác sĩ có thể hướng dẫn cách hồi sức tim phổi cho những trường hợp này không ạ?
- Hồi sức tim phổi dành cho những trường hợp nào?
- Cách phát hiện nạn nhân bị ngưng thở ngưng tim cơ bản?
- Cách thực hiện hồi sức tim phổi?
Để đánh giá bệnh nhân có ngưng tim ngưng thở hay không, cần dựa vào ba yếu tố:
- Thứ nhất: Một người bệnh bị ngất, cần lay gọi xem người bệnh còn đáp ứng hay không.
- Thứ hai: Kiểm tra xem bệnh nhân còn thở hay không. Có thể ghé tai vào mũi hoặc nhìn lồng ngực xem bệnh nhân còn nhịp thở phập phồng hay không.
- Thứ ba: Bắt mạch xem bệnh nhân còn mạch hay không.
Khi xác nhận bệnh nhân có ngưng tim, ngưng thở, cần tiến hành hồi sức càng sớm càng tốt. Thời gian vàng trong cấp cứu ngưng tim ngưng thở là 5 phút, vì sau 5 phút, não đã chết và sau 10 phút là gần như tử vong.
Để cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn, ép tim, chúng ta cần đặt bệnh nhân trên nền cứng và thực hiện ép tim 100 – 120 nhịp/ phút và độ dày từ 5-6cm, khoảng ⅓ chiều dày lồng ngực.
14. Dấu hiệu và phương pháp chẩn đoán nguy cơ nhồi máu cơ tim
Chào bác sĩ. Em 37 tuổi, hay bị căng thẳng, lo âu, stress. Khoảng 1 năm nay thường bị đánh trống ngực, tim đập rất nhanh, đau tức ngực, cảm giác nóng ran ở tim. Trong cơn tim đập nhanh kèm khó thở và tê bì hai cánh tay.
Em có đi khám tim ở bệnh viện tuyến tỉnh, đo điện tim, siêu âm tim và làm xét nghiệm gắng sức. Kết quả bác sĩ bảo tim không bị gì, do rối loạn thần kinh tim. Em uống thuốc 2 tháng rồi mà triệu chứng không cải thiện. Em lo mình còn mắc bệnh lý tim khác mà chưa phát hiện ra. Xin hỏi bác sĩ em cần làm thêm các xét nghiệm gì để tìm bệnh? Em có nguy cơ nhồi máu cơ tim không ạ? Dấu hiệu nào cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim và cần làm gì khi những dấu hiệu này xuất hiện để giảm rủi ro biến chứng thưa bác sĩ?
Với độ tuổi 37 tuổi, nữ giới thường hiếm khi nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, triệu chứng của bạn giống triệu chứng của cơn nhịp nhanh tim hơn là nhồi máu cơ tim gây ra. Đây là tình huống bệnh nhân đến bệnh viện qua đo điện tim, siêu âm tim thì các cơn đó không xuất hiện. Tuy nhiên, về nhà thì có cơn hồi hộp nhưng thưa. Do đó, cần đo điện tâm đồ liên tục, theo dõi 24 – 48 tiếng hoặc liên tục 1 tuần, khi có triệu chứng xảy ra, sẽ phát hiện cơn nhịp nhanh nguy hiểm ra sao và điều trị.
Trong trường hợp bệnh nhân có thể bị co thắt mạch vành, đặc biệt là nữ giới, lúc đó lại co thắt mạch máu tim. Tình trạng này chưa phải là xơ vữa, nhưng mạch máu lại co thắt, làm cho tim bị thiếu máu, gây hồi hộp khó chịu. Thông thường, trường hợp này cần điều tra và theo dõi thường xuyên hơn, có thể theo dõi bằng điện tâm đồ trên đồng đồ thông minh hoặc khi có triệu chứng hãy đến ngay cơ sở y tế để được đo điện tâm đồ và đánh giá tình trạng.
15. Yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim ở người trẻ
Tại BVĐK Tâm Anh, bác sĩ có tiếp nhận những trường hợp nhồi máu cơ tim ở những người trẻ hay không? Và những yếu tố nào là yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng nhồi máu cơ tim ở người trẻ.
Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi tiếp nhận nhiều người trẻ bị nhồi máu cơ tim, thường nam giới ở độ tuổi khoảng 30-45. Nguyên nhân thường gặp là tăng lipid máu giả định, hút thuốc lá lâu năm, mỡ máu không điều trị, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường…
Ai trong chúng ta cũng có thể bị bệnh, nhất là những người trẻ, vì vậy số lượng bệnh nhân cũng khá nhiều. Ngoài ra, chúng tôi còn giáo dục cho bệnh nhân và người thân về những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim và tầm soát nguy cơ xơ vữa động mạch vành, nhằm phát hiện và tầm soát sớm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
16. Tư vấn tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Tâm Anh
Tôi là nam 39 tuổi, có hút thuốc lá. Huyết áp của tôi hay bị tăng và giảm thất thường, tim đập nhanh. Tôi còn hay bị đau đầu, đổ mồ hôi và lạnh chân. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tình trạng của tôi là bị bệnh gì và cần điều trị như thế nào? Tôi có nguy cơ bị đột quỵ không? Trường hợp như tôi đến BV Tâm Anh khám tầm soát đột quỵ thì sẽ được chụp MRI hay CT sọ não? Cái nào tốt hơn?
Bạn có một số yếu tố nguy cơ đột quỵ là hút thuốc lá. Bạn 39 tuổi, huyết áp lúc tăng lúc giảm có thể đang trong quá trình dao động. Vì vậy, cần xác định có cao huyết áp hay không.
Các triệu chứng như đau đầu, đổ mồ hôi là biểu hiện chung, nhưng cũng cho thấy hệ thống thần kinh thực vật của bạn đang có vấn đề. Tầm soát đột quỵ với lứa tuổi này và các yếu tố nguy cơ là cần thiết. Bác sĩ sẽ chỉ định làm như xét nghiệm máu, khảo sát tim mạch, khảo sát chung, khảo sát não, chụp cộng hưởng từ… Ngoài ra, có thể phải làm những đặc hiệu khác nếu có những yếu tố nguy cơ khác.
17. Làm sao để chủ động trong việc phòng ngừa đột quỵ?
Làm sao để chủ động trong việc phòng ngừa đột quỵ? Vai trò của việc khám tầm soát đột quỵ là quan trọng? Vậy những trường hợp nào cần khám đột quỵ để phòng ngừa bệnh lý hết sức nguy hiểm này?
Thường chúng ta tầm soát đột quỵ khi có các triệu chứng liên quan đến đột quỵ. Hoặc nếu thuộc đối tượng có yếu tố nguy cơ của đột quỵ như: Lớn tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường… cũng nên thực hiện tầm soát.
Nếu có thêm bất cứ băn khoăn, lo lắng nào, Quý vị có thể tiếp tục gửi về BVĐK Tâm Anh bằng cách đặt câu hỏi ở phần Hỏi đáp tại website tamanhhospital.vn, inbox cho fanpage BVĐK Tâm Anh, hoặc liên hệ Tổng đài của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 024 7106 6858 – 024 3872 3872 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 – 093 180 6858 (tại TP.HCM) để được tư vấn chi tiết.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.