Bệnh tim bẩm sinh khiến bé gái suy dinh dưỡng nặng
Bé Ngọc được phát hiện thông liên thất lỗ lớn ngay sau sinh, thời điểm ba tháng tuổi bé chậm lên cân, thở mệt do biến chứng tăng áp phổi, suy tim nặng.
Ngày 1/10, BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy, khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé Ngọc đến khám trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng (bé 3 tháng nhưng chỉ nặng 3,6 kg, lúc sinh 3,1 kg), khó thở do tăng áp động mạch phổi, suy tim nặng. Mẹ bé kể bé bú ngắt quãng, thở mệt, vã mồ hôi nhiều khi bú, chậm lên cân. Kết quả siêu âm tim xác định bé có lỗ thông liên thất lớn (8 mm) dẫn đến suy tim.
Thông liên thất xảy ra khi có sự xuất hiện của một hay nhiều lỗ nằm trên vách ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải. Khi đó, máu giàu oxy từ tâm thất trái đổ vào tâm thất phải rồi lên thẳng động mạch phổi, làm tăng thể tích và áp lực trong hệ tuần hoàn phổi cũng như tăng lượng máu trở về tim trái. Đồng thời, tim phải làm việc nhiều hơn, lâu dần khiến tim bị giãn.
Theo ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, Cố vấn Phẫu thuật tim, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bé Ngọc luôn ở trạng thái khó thở, ăn uống kém, chậm tăng cân, cần can thiệp đóng lỗ thông liên thất sớm để cải thiện hô hấp, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Nếu chậm trễ điều trị sẽ dễ biến chứng buồng tim giãn, áp lực động mạch phổi tăng cao gây tổn thương động mạch phổi, viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng trên bề mặt nội mạc của tim), suy dinh dưỡng nặng vì ăn uống và hấp thu kém.
Ca phẫu thuật cho bé Ngọc diễn ra. ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga, khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lo ngại vì bệnh nhi vừa bị suy dinh dưỡng vừa suy tim và tăng áp động mạch phổi nặng. “Đây là những yếu tố gây khó khăn rất lớn đối với quá trình gây mê – hồi sức”, bác sĩ Nga nói.
Trong lúc gây mê, cần cẩn thận không để cho bé bị kích thích đau vì sẽ làm nặng thêm tình trạng tăng áp phổi. Sau khi bé ngủ sâu, bác sĩ mới tiến hành đặt nội khí quản, tiếp tục thực hiện gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp giảm đau trong mổ tới 90%, hạn chế phải dùng morphin sau mổ. Vì cơ thể bé quá gầy nên khi thực hiện khó xác định lớp cơ, phải nhờ đến sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm với độ phân giải cao để định vị mặt phẳng cơ dựng sống, từ đó luồn dây dẫn một cách chính xác.
Bên cạnh đó, nồng độ thuốc tê cũng phải phù hợp với một em bé suy dinh dưỡng, nếu quá liều sẽ dễ gây ngộ độc thuốc tê hoặc tổn thương hệ thần kinh.
Quá trình gây mê hoàn tất. Bác sĩ Viên cùng êkíp bắt đầu phẫu thuật, dùng mô tự thân (để tránh hiện tượng đào thải sau mổ) vá lỗ thông trên vách ngăn giữa hai tâm thất. Ca mổ kết thúc thuận lợi sau 3 giờ.
Bé Ngọc được rút nội khí quản sớm, chỉ sau phẫu thuật 4 giờ, giảm dần các thuốc và xuất viện sau đó 5 ngày. Tái khám sau xuất viện một tuần, mẹ bé kể bé đã bú tốt hơn, không còn vã mồ hôi khi bú, đêm bé ngủ ngon giấc, vết mổ đã lành, cân nặng lên được 4.2 kg. Bé tiếp tục được theo dõi, tái khám định kỳ theo lịch hẹn.
Bác sĩ Thủy cho biết thông liên thất là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm hơn 37% tổng số bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em, với tỷ lệ mắc khoảng 0,3% ở trẻ sơ sinh.
Thông liên thất nhỏ (dưới 3 mm) thường không cần điều trị vì lỗ thông sẽ tự đóng khi trẻ lớn lên. Đối với các lỗ thông liên thất kích thước vừa (đường kính 3- dưới 5 mm) và lớn (đường kính từ 5 mm trở lên), khả năng tự đóng rất thấp. Lúc này, cần xem xét các phương pháp điều trị bít lỗ thông bao gồm thông tim đóng lỗ thông qua da và phẫu thuật tim hở vá lỗ thông.
Các dấu hiệu của thông liên thất kích thước trung bình – lớn có thể xuất hiện ngay trong tháng đầu sau sinh. Các lỗ thông nhỏ thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi trẻ trưởng thành. Do đó, việc thai phụ đi khám, siêu âm thai đúng lịch hẹn, tầm soát tim bẩm sinh sau khi trẻ chào đời cho đến khi lớn lên là rất cần thiết, giúp phát hiện bệnh sớm, có kế hoạch theo dõi và điều trị phù hợp, bác sĩ Thủy khuyến cáo.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Comments are closed.