Bướu giáp to gây khó thở
Bướu giáp thòng xuống trung thất (lồng ngực) gây chèn ép đường thở khiến bà H. ngáy to, khó thở khi ngủ.
Bà P.T.H. (70 tuổi, Lâm Đồng) không dám ngủ do mỗi khi say giấc bà lại không thở được. Mỗi lần như vậy, bà cố gắng vung 2 tay, 2 chân, thân mình để tỉnh dậy.
Ngoài ra, thỉnh thoảng bà H. còn nuốt vướng khi ăn uống, khó nuốt nước bọt. Mỗi khi nuốt, bà phải vuốt cổ trên 10 lần mới cảm thấy dễ chịu. Đến khi con gái từ Na Uy về thăm, nhận thấy bà ngủ ngáy to, tiếng ngáy khác với bình thường và cổ bị phình to nên đưa bà tới BVĐK Tâm Anh TP.HCM khám.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trúc, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết kết quả siêu âm tuyến giáp bà H. có nhân giáp (bướu giáp) khoảng 6cm nằm ở thùy trái. Bướu giáp thòng xuống trung thất (lồng ngực) gây chèn ép đường thở khiến bà H. ngủ ngáy to. Khi ngủ, bướu đè lên đường thở gây khó thở, thậm chí chèn ép tĩnh mạch chủ trên làm tắc nghẽn dòng máu chảy về tim, gây ra nhiều triệu chứng như ho, khó thở, phù cổ mặt, khàn giọng, khó nuốt…
Bác sĩ Trúc cho biết kết quả sinh thiết bướu giáp của bà H. lành tính (không phải ung thư), tuy nhiên do bướu to chèn ép đường thở, có thể dẫn đến khó thở khi ngủ nên bà H. được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ bướu giáp.
Bà H. chia sẻ: “30 năm trước, bác sĩ phát hiện tuyến giáp của tôi có khối u to khoảng 1cm, không phải ung thư nên tôi cũng không lo lắng, bây giờ u bị to ra”.
Kéo u ra khỏi trung thất (lồng ngực)
Bác sĩ CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết bà H. tuổi đã cao, bị đái tháo đường, tăng huyết áp nên khó kiểm soát nguy cơ khi mổ. Mặt khác, mạch máu ở người lớn tuổi thường xơ cứng, do đó nếu phẫu thuật viên không khéo léo có thể gây tổn thương mạch máu gây chảy máu…
Với bướu giáp thòng vào trung thất trên sẽ có 2 phương pháp phẫu thuật. Với phương pháp cắt bỏ u qua đường mổ ngang cổ, đòi hỏi phẫu thuật viên phải bóc tách cẩn trọng, tìm các sợi thần kinh siêu nhỏ để tránh làm tổn thương tới thần kinh chi phối giọng nói… Trong trường hợp nếu không thể phẫu thuật bằng phương pháp mổ từ đường cổ sẽ phải mổ từ đường ngực. Lúc này, người bệnh phải cắt một phần xương ức để dễ cắt bỏ bướu giáp sau xương ức.
Sau khi đánh giá bướu giáp và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ Trông quyết định phẫu thuật qua đường cổ để tránh phẫu thuật mở ngực tạo vết mổ lớn, đau, mất máu nhiều hơn, nguy cơ biến chứng nhiễm trùng, người bệnh lâu phục hồi sau mổ và ảnh hưởng thẩm mỹ.
Bác sĩ Trông sử dụng dao siêu âm (giúp cầm máu khi mổ) rạch một đường ngang ở cổ khoảng 8cm, từ từ bóc tách lớp da, vạt da, lớp cơ trước tuyến giáp qua 2 bên. Sau khi bộc lộ rõ tuyến giáp, bác sĩ “thám sát tuyến giáp” tìm dây thần kinh thanh quản, kẹp mạch máu động mạch chủ tuyến giáp và các mạch máu xung quanh, từ từ kéo bướu giáp lên và cắt bỏ thùy trái cùng eo giáp, bảo tồn tuyến phó giáp bên trái trên và dưới. Bướu giáp được đưa tới khoa Giải phẫu bệnh để xét nghiệm.
Sau 2 giờ phẫu thuật, bà H. được đưa về phòng hồi tỉnh, sau đó bà ăn được cháo, uống sữa. Bà H. chia sẻ không còn cảm giác nuốt vướng, triệu chứng ngáy to giảm rõ, vết mổ nhỏ như sợi tóc ở ngay ngấn cổ nên khó nhận ra.
Bác sĩ Trông dặn bà H. ăn thức ăn mềm, lỏng, không ăn món chua cay, không mang vác vật nặng, không để vết thương bị ướt, rửa vết thương mỗi 2 ngày/lần, tái khám sau phẫu thuật 7 ngày.
Bác sĩ Thanh Trúc cho biết chức năng tuyến giáp và tuyến cận giáp sau mổ của bà H. vẫn hoạt động bình thường. Bà H. cần khám sức khỏe, kiểm tra chức năng tuyến giáp mỗi năm 2 lần.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.