Chân cụ bà sưng phù do mắc hội chứng May-Thurner
Bà Dinh, 68 tuổi, đau phù chân trái vì tắc tĩnh mạch chậu do huyết khối, dùng thuốc không đỡ mà cần phẫu thuật hút huyết khối và nong chỗ hẹp.
Trước đó một tháng, bà Dinh (ngụ Phú Yên) thấy đau, sưng chân trái. Đến bệnh viện khám, bà được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch đùi khoeo và tĩnh mạch chậu trái. Bác sĩ kê toa thuốc kháng đông cho bà, uống hai tuần thì chân giảm đau và phù, không hết hẳn.
Một tuần sau, dù tuân thủ thuốc nhưng chân trái bà Dinh phù nhiều hơn, ấn đau, cảm giác căng tức chân, nhất là những lúc ngồi hoặc nằm lâu. Tiếp tục uống thuốc theo toa, bà cảm giác tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng hơn, chân đau nhức rất nhiều. Bà đi khám tại bệnh viện Tâm Anh TP HCM.
Ngày 27/9, BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết qua khám lâm sàng, người bệnh có triệu chứng huyết khối tĩnh mạch vùng chậu với chân sưng, phù căng da nhiều từ bàn chân lên đến đùi bên trái, ấn đau, nổi tĩnh mạch mạng nhện bàng hệ trên da. Bà Dinh được siêu âm tĩnh mạch và chụp CT-scan, phát hiện hẹp nặng tĩnh mạch chậu trái do hội chứng May-Thurner.
Hội chứng May-Thurner là một trong những nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch sâu vùng chậu đùi ít gặp, chiếm 2-5% tổng số ca huyết khối tĩnh mạch sâu. Bệnh xảy ra khi động mạch chậu phải bắt chéo chèn ép tĩnh mạch chậu trái, làm chậm dòng máu từ chân trở lại tim. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu tại vị trí tĩnh mạch chậu bị chèn ép.
Cục máu đông có thể vỡ ra và trôi đến các động mạch khác gây thuyên tắc phổi đe dọa tính mạng. Về lâu dài, huyết khối tĩnh mạch sâu có khả năng tái phát hoặc gây hội chứng hậu huyết khối, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
ThS.BS Phạm Ngọc Minh Thủy, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ, trước đây đối với các bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ thường điều trị nội khoa bằng thuốc kháng đông và vớ áp lực. Điều này giúp cải thiện một phần triệu chứng, ngăn hình thành huyết khối mới trong giai đoạn đầu. Nhưng một thời gian sau bệnh dễ tái phát như trường hợp bà Dinh, huyết khối nhiều hơn làm triệu chứng trầm trọng hơn.
Với hội chứng May-Thurner, nguyên nhân gây huyết khối và tái phát là do tĩnh mạch vùng chậu bị chèn ép. Do đó, bên cạnh điều trị thuốc, phương pháp hiệu quả hơn là sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để làm mềm cục máu đông, hút bớt máu đông, sau đó đặt stent tĩnh mạch chậu để khơi thông lòng mạch. Đây là biện pháp ít xâm lấn, giúp giải quyết gần như hoàn toàn tình trạng hẹp tĩnh mạch, khả năng tái phát thấp.
Bà Dinh bước vào ca can thiệp diễn ra trong hai giờ. Đầu tiên, bác sĩ dùng một quả bóng nhỏ để mở rộng tĩnh mạch chậu trái, tiếp đến đưa dụng cụ chuyên dụng vào hút huyết khối bám trong lòng mạch. Cuối cùng, bác sĩ đặt stent vào tĩnh mạch để mở rộng lòng mạch, giúp máu lưu thông bình thường.
Thủ thuật diễn ra thuận lợi, không biến chứng. Bệnh nhân xuất viện sau một ngày, chân giảm phù nhiều, được kê toa thuốc kháng đông trong vài tháng đầu để ngăn tái phát huyết khối. Tái khám sau hai tuần, chân trái bà Dinh trở về kích thước ban đầu, hết hẳn đau nhức.
Bác sĩ Hoài thông tin, hội chứng May-Thurner không phải bệnh lý di truyền, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Bệnh gồm ba giai đoạn: giai đoạn I không triệu chứng, giai đoạn II tĩnh mạch bị chèn ép lâu ngày làm tổn thương lòng mạch máu, giai đoạn III đã hình thành máu đông trong lòng mạch. Đối tượng có nguy cơ dẫn đến huyết khối là nữ giới, trên 50 tuổi, phụ nữ mới sinh con, phụ nữ có từ hai con trở lên, phụ nữ đang uống thuốc tránh thai, người phải nằm bất động thời gian dài, người mắc bệnh lý làm tăng nguy cơ đông máu như ung thư.
Để giảm nguy cơ mắc hội chứng May-Thurner, nên duy trì các hoạt động nhằm giữ cho tĩnh mạch lưu thông bình thường: tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, không đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, tránh mặc quần áo bó sát, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường.
Khi xuất hiện các triệu chứng sớm của bệnh (chân sưng, nặng, đau nhức, có vết loét không lành, giãn tĩnh mạch chân) hoặc dấu hiệu nghi ngờ có huyết khối tĩnh mạch sâu (phù chân nghiêm trọng, chuột rút, da chân đổi màu đỏ hoặc tím, có cảm giác ấm khi chạm vào), cần đi khám sớm.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.