Chuyên gia chia sẻ các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh hở van tim
Bệnh van tim đang gia tăng nhanh chóng và là nguyên nhân phổ biến gây ra các ca tử vong do bệnh tim mạch. Đối với người bệnh hở van tim, điều trị đúng thời điểm giúp ngăn chặn biến chứng nguy hiểm như: Rung nhĩ, suy tim, hình thành cục máu đông, viêm nội tâm mạc, nhịp tim bất thường, đột quỵ và tử vong.
Vậy có mấy loại hở van tim? Hở van tim mức độ nào cần phẫu thuật sửa chữa/thay van? Phẫu thuật hở van tim nội soi, ít xâm lấn, thay van tim qua da là gì & được chỉ định trong những trường hợp nào? Đâu là những ưu điểm vượt trội của các kỹ thuật cao này?…
Tất cả những thắc mắc trên đã được giải đáp trong chương trình tư vấn trực tuyến “Kỹ thuật cao trong điều trị bệnh hở van tim: Mổ nội soi, phẫu thuật tim ít xâm lấn, thay van tim qua da…” vào 19h thứ Tư, ngày 14/8/2024. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Từ trái sang phải: ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, ThS.BS Trần Thúc Khang và MC Kim Ánh trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến tối ngày 14/8/2024
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, tim có 4 van bao gồm: Van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Van tim giúp máu đi theo một hướng, người bệnh hở van tim, làm máu đi theo hướng ngược lại.
Van hai lá có chức năng đưa máu chảy từ tâm nhĩ trái vào tâm thất trái và ngăn dòng chảy ngược từ tâm thất trái sang tâm nhĩ trái. Nếu bị hở van hai lá, máu sẽ chảy ngược từ thất trái trở về nhĩ trái trong thời kỳ tâm thu. Van tim bị trục trặc, không đóng và mở đúng cách, sẽ ảnh hưởng đến khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể của tim. Như vậy, van tim đóng vai trò rất quan trọng.
Các bệnh về van tim thường gặp bao gồm: Hẹp van hoặc hở van. Người bệnh tuổi càng cao càng có nguy cơ bị hở van tim hoặc nguyên nhân từ các bệnh lý tại van gây ra. Ở bệnh lý tại động mạch chủ, càng lớn tuổi động mạch chủ càng giãn ra gây hở van. Các nguyên nhân có thể gây hở van tim có thể kể đến bao gồm: Van thoái hóa, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, di truyền,…
Trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng, khi đi khám sức khỏe định kỳ sẽ được chỉ định làm siêu âm tim. Nếu kết quả cho thấy hở van 2 lá hoặc động mạch chủ ¼ hoặc 2/4 sẽ được chỉ định điều trị nội khoa. Tuy nhiên trước đó, bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân gây hở van. Trường hợp điều trị bằng thuốc vẫn theo dõi hằng năm cho người bệnh, định kỳ 6 tháng/lần hoặc thăm khám khi mệt, khó thở, tim đập nhanh khi gắng sức.
Theo ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư, Trưởng đơn vị Bệnh Van tim, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, hở van tim có thể phát hiện ở ngay cả những bệnh nhân chỉ đi khám sức khỏe tổng quát, họ không có triệu chứng và siêu âm vô tình phát hiện hở van tim.
Nếu một trong 4 van tim bị hở nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng như: Giảm khả năng gắng sức, có những cơn mệt, đau ngực, hồi hộp, cảm thấy tim đập nhanh, choáng váng, ngất xỉu… Đây là những dấu hiệu thường gặp của bệnh hở van tim.
Nếu bệnh nhân bị hở van tim nặng không được phát hiện kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng bao gồm:
- Suy tim, làm giảm phân suất tống máu tim trái cũng như suy tim phải.
- Rối loạn nhịp nguy hiểm, làm giảm chất lượng cuộc sống, gia tăng tỷ lệ tử vong.
- Nguy cơ nhiễm trùng từ đường răng miệng, vi khuẩn có thể theo máu xâm nhập vào khoang tim đang bị tổn thương, từ đó dẫn đến biến chứng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, có thể dẫn đến đột quỵ hoặc thuyên tắc mạch ở tất cả các mao mạch máu trong cơ quan.
- Bệnh nhân có thể sốc nhiễm trùng và tử vong.
Tại bệnh viện Tâm Anh, có nhiều người bệnh van tim đã có chỉ định phẫu thuật ở các bệnh viện khác, muốn đến đây để được tư vấn đầy đủ hơn thì phòng khám bệnh van tim này cũng sẽ tiếp nhận. Hoặc những phụ nữ mang thai biết mình bị bệnh van tim cần được tư vấn, chăm sóc lúc sinh và sau sinh.
Theo chia sẻ của ThS.BS Trần Thúc Khang, Bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, phẫu thuật bệnh van tim, hiện nay cơ bản vẫn là phẫu thuật mổ tim hở. Nghĩa là khi mổ, tim ngừng đập và vòng tuần hoàn bệnh nhân được nuôi bởi máy tim phổi ngoài cơ thể. Trong phẫu thuật tim hở hiện nay, để phẫu thuật bệnh van tim thì phẫu thuật viên có thể sửa, thay một hoặc nhiều van tim bị bệnh qua da.
Kỹ thuật ít xâm lấn, tức là mổ qua đường mổ nhỏ ở ngực bên phải, phối hợp với hệ thống hỗ trợ truyền hình kỹ thuật ít xâm lấn ngày càng được quan tâm, và sử dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là trong các bệnh lý van hai lá.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh lý van tim đều được thực hiện dưới kỹ thuật xâm lấn. Để chọn lựa khi nào mổ hở, khi nào mổ xâm lấn, phải dựa vào rất nhiều yếu tố. Ví dụ mổ một van hay nhiều van, mổ van hai lá có kèm theo bệnh mạch vành hay không, động mạch chủ bệnh nhân có giãn lớn hay không, lồng ngực bệnh nhân trước đây có đảm bảo gì hay chưa, bệnh nhân có béo phì không, tình trạng suy tim quá nặng hay không, động mạch chủ chậu và động mạch hai chi dưới có bị bệnh lý hay không.
Trong kỹ thuật xâm lấn, bệnh nhân cần được chạy tuần hoàn ngoài cơ thể qua đường động mạch chủ đầu. Như vậy, trước khi chọn lựa phương pháp mổ, phẫu thuật viên phải khám, đánh giá người bệnh và bàn luận trực tiếp với bệnh nhân về ưu điểm của phương pháp đó.
Đối với kỹ thuật ít xâm lấn, có nhiều ưu điểm và độ an toàn tương tự như mổ hở. Một số ưu điểm nổi bật như: Ít đau, sẹo mổ ngắn hơn, bệnh nhân không cần phải mổ dọc giữa xương ức nên thời gian hồi phục nhanh hơn. Đồng thời, biến chứng liên quan đến đường mổ, đặc biệt đó là chảy máu và nhiễm trùng sẽ ít hơn. Nhờ đó, bệnh nhân nằm viện ngắn và chi phí sẽ ít hơn.
Đây là kỹ thuật gây tê dưới hướng dẫn của siêu âm. Bác sĩ gây mê sẽ đưa chọc một catheter (một ống nhỏ) đi vào giữa khoang cơ dựng sống, tức là cơ nằm hai bên cột sống của bệnh nhân. Catheter với một hệ thống bơm tiêm và một máy bơm tự động.
Trong bơm tim, bác sĩ sẽ pha sẵn một liều thuốc nhất định theo một phác đồ và thuốc tê sẽ phóng thích trong vòng 48 đến 72 giờ sau mổ. Thuốc tê thấm trên bề mặt phẳng cơ dựng sống, rễ thần kinh trong cơ dựng sống sẽ phong tỏa được các tín hiệu thần kinh trung ương đi qua các sừng sẹo tủy sống. Từ đó, giúp bệnh nhân giảm đau.
Theo Bác sĩ Khang phương pháp này mang đến ưu điểm giảm đau sau mổ rất tốt. Trước đây, mổ lồng ngực tim mạch thường dùng giảm đau sau mổ bằng các chế phẩm morphine truyền qua đường tĩnh mạch. Nếu liều cao, morphine sẽ gây ức chế hô hấp, gây biến chứng bí tiểu, nôn mửa, thậm chí có những bệnh nhân siêu hậu phổi sẽ xuất hiện lệ thuộc và nghiện Morphine. Kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống giúp giảm được liều lượng morphine dùng sau mổ, do đó làm giảm những biến chứng liên quan đến Morphine.
Theo BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, không phải tất cả các tổn thương đều có thể phù hợp để thực hiện qua da. Vì vậy, trước khi tiến hành sửa hoặc thay van qua da, bệnh nhân cần được thăm khám nghiệm, làm các thăm dò và không xâm lấn kỹ càng để đảm bảo về mặt giải phẫu. Vì nếu tổn thương hở van đó phù hợp thì mới có thể tiến hành sửa van qua da được.
Đối với hở van khác như van động mạch phổi, nếu bị hở phổi sau phẫu thuật tim hở bẩm sinh hoặc hở tự nhiên, có thể tiến hành thay van động mạch phổi qua da. Hoặc hở van 3 lá có thể sửa hoặc thay van qua da. Điểm khác biệt giữa thay van qua da với những kỹ thuật khác cụ thể là ở đường vào của kỹ thuật. Khi thay van qua da, chúng tôi sẽ mở đường vào mạch máu ở đùi. Từ vị trí đường vào đó, đưa các dụng cụ tiếp cận tới các khoang tim cụ thể như van hai lá, van động mạch phổi, van 3 lá.
Do xâm lấn tối thiểu nên phương pháp này giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm chảy máu, giảm nhiễm trùng. Tuy nhiên, phải đánh giá thật kỹ giải pháp này có phù hợp với người bệnh hay không, mới có thể tiến hành quyết định trao đổi và tư vấn cho bệnh nhân.
Tại BVĐK Tâm Anh có phòng mổ Hybrid. Khi phẫu thuật qua da, nguy cơ trong quá trình làm can thiệp sẽ cao. Nên nếu thực hiện ở phòng mổ Hybrid, có phối hợp giữa các can thiệp, kết hợp ngoại khoa trong cùng một phòng mổ sẽ đảm bảo an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân. Ngoài ra, để triển khai các kỹ thuật sửa van tim qua da, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và chuyên nghiệp của đội nhóm đối với cả những người bệnh làm kỹ thuật sửa van.
Ngoài ra, những vấn đề về gây mê và hậu phẫu cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, tại BVĐK Tâm Anh, tất cả các bộ phận, chuyên ngành liên quan đều phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn và hiệu quả với nhau.
Câu hỏi được gửi về chương trình các kỹ thuật cao trong điều trị bệnh hở van tim
Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:
1. Phương pháp nào chẩn đoán chính xác bệnh van tim?
Phương pháp nào giúp chẩn đoán chính xác bệnh van tim? Tại BVĐK Tâm Anh, các bác sĩ đã ứng dụng những phương pháp này trong chẩn đoán bệnh van tim như thế nào thưa phó giáo sư?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ:
Đầu tiên, cần hỏi bệnh nhân tại sao đến khám. Nếu nghĩ là bệnh van tim, đầu tiên sẽ nghe tim. Nghe mỏm tim có âm thổi tâm thu, có thể nghĩ đến bệnh van 2 lá. Sau đó hỏi về bệnh sử. Đọc điện tâm đồ người bệnh. Thăm khám xem bệnh nhân có bị rung nhĩ chưa. Cho chụp X-Quang ngực, nếu hở van động mạch chủ thì mỏm tim sẽ rất to.
Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh van tim chính là siêu âm tim, có thể xác định bệnh lý của van nào, độ nặng và cơ chế tại sao hở van. Kết quả siêu âm có thể giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây hở van tim.
Nếu có mảng sùi trên van tim có thể do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Nếu vừa có hẹp vừa có hở van 2 lá, hở van động mạch chủ nguyên nhân có thể do thấp tim từ nhỏ.
2. Tại sao cùng siêu âm tim mà lúc thì hở 2 van động mạch phổi và 3 lá, lúc lại không? Mức độ nhẹ với rất nhẹ có khác nhau không?
Từ năm 2018 đến nay em siêu âm tim 7-8 lần. Lần đầu tiên kết quả là hở van 2 lá, 3 lá và động mạch phổi nhẹ chưa cần điều trị. Các lần sau em siêu âm thì chỉ có hở van 2 lá 1/4, còn 2 van kia bình thường. Gần đây nhất em đi siêu âm lại thì lại hở van 2 lá, 3 lá 1/4, hở van động mạch phổi 1.5/4.
Vậy cho em hỏi tại sao cùng siêu âm tim mà lúc thì hở 2 van động mạch phổi và 3 lá, lúc lại không ạ? Mức độ nhẹ với rất nhẹ có khác nhau không? Tình trạng của em có được coi là hở van sinh lý không hay bệnh lý ạ?
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư chia sẻ:
Hở van tim được chia thành 4 mức độ: Hở nhẹ ¼, vừa trung bình 2/4, nặng ¾ – 4/4. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán hở van tim là siêu âm tim, sẽ giúp đánh giá được mức độ hở van, cơ chế hở van và chẩn đoán van bị tổn thương. Ngoài ra, phải dùng Doppler màu để lượng giá được mức độ hở van của bệnh nhân, mình sẽ phân ra 1/4, 2/4, 3/4 hay 4/4. Để lượng định độ nặng của hở van tim, còn cần rất nhiều tiêu chuẩn để lượng định.
Nếu hở van 1/4 đến 1,5/4 thì được xếp là nhẹ và thường do sinh lý, bệnh nhân chưa cần phải can thiệp hay điều trị, chỉ cần theo dõi. Những mức độ hở van từ trung bình đến nặng như là 2/4 hay là 4/4 thì cần điều trị nội khoa, hoặc xem xét có cần can thiệp phẫu thuật hay không. Như trường hợp của bạn sẽ cần tiếp tục theo dõi.
3. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn, viêm gan B. Có cần lưu ý gì trước mổ thay van tim?
Chào bác sĩ, anh trai em bị hở van 2 lá nhiều năm, nay biến chứng loạn nhịp tim, suy tim nặng nên có chỉ định mổ thay van tim. Tuy nhiên vì có tiền sử suy thận mạn, viêm gan B, nên gia đình lo lắng về tỷ lệ rủi ro trong phẫu thuật. Cần lưu ý gì trước mổ không thưa bác sĩ?
ThS.BS Trần Thúc Khang chia sẻ:
Trường hợp anh trai của bạn điều lo lắng nhất trong phẫu thuật tim đó là nguy cơ. Vì vậy, người ta đưa ra rất nhiều hệ thống để lượng giá các nguy cơ trước mổ. Trong trường hợp cụ thể, anh trai bạn có hai điều:
- Điều thứ nhất: Anh trai bạn bị bệnh van 2 lá đã lâu, bây giờ là suy tim. Vậy suy tim là một trong yếu tố nguy cơ của phẫu thuật tim phẫu thuật van tim. Bệnh nhân nếu suy tim trước mổ càng nặng thì nguy cơ của cuộc mổ càng cao.
- Điều thứ hai: Anh bạn bị bệnh thận cũng là một yếu tố nguy cơ của phẫu thuật tim. Có tài liệu nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, khi phẫu thuật bệnh van tim có tỉ lệ tử vong cao hơn nhóm bình thường đến 20%. Về mặt kỹ thuật, những bệnh nhân suy thận mãn thì vòng van thường bị vôi hơn cũng là một trong những khó khăn gây nguy cơ cho phẫu thuật.
Tóm lại, anh của bạn có hai yếu tố nguy cơ của suy tim và suy thận. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng vì ở đây chỉ những thông tin chỉ tương đối. Chúng tôi cần biết tuổi bệnh nhân, giai đoạn suy thận, giai đoạn suy tim và cần đánh giá tổn thương van tim, nhịp tim… Khi có đầy đủ những thông số đó thì chúng tôi sẽ có hệ thống để lượng giá nguy cơ trước mổ và sẽ giải thích cụ thể cho bạn. Vậy bạn nên sớm đưa anh đến các cơ sở của bệnh viện Tâm Anh để được đánh giá kỹ hơn.
4. Hở van 2 lá 3.5/4 kèm suy tim độ II, rung nhĩ. Nên can thiệp thay van qua da hay mổ hở?
Thưa bác sĩ, có phải nếu van tim bị hở nhiều thì nên phẫu thuật thay van mới luôn phải không ạ? Vì hàng xóm nhà em có ông bị hở van nặng, bác sĩ muốn giữ van nên chỉ mổ sửa van, nhưng chưa được 10 năm van đã hỏng còn nặng hơn trước, vừa rồi ông phải tiếp tục mổ để thay van mới.
Nay mẹ em có chỉ định phẫu thuật van tim nhưng gia đình đang cân nhắc can thiệp thay van qua da hay mổ hở. May có chương trình mong các bác sĩ tư vấn mẹ em nên thực hiện phương pháp nào ạ? Mẹ em 63 tuổi, hở van 2 lá 3.5/4 kèm suy tim độ II, rung nhĩ.
BS.CKI Nguyễn Đức Hưng chia sẻ:
Do thông tin bạn đưa ra tương đối chung chung nên khó để xác định chính xác loại hở van tim và quyết định liệu van có thể sửa chữa hay cần thay thế.
Vấn đề thứ hai, nếu như van tim có thể sửa được, thông thường các phẫu thuật viên sẽ cố gắng để sửa, để giữ cấu trúc tự nhiên của van đảm bảo cho van hoạt động tốt và bền vững.. Sửa van thường có lợi thế hơn về điều trị sau phẫu thuật, đặc biệt là giảm nhu cầu dùng thuốc chống đông. Do đó, nếu van có thể sửa chữa một cách hiệu quả, phẫu thuật viên sẽ thực hiện phương án này.
Tuy nhiên, sau khi sửa, van vẫn có thể tiến triển bị thoái hóa thêm, và đến giai đoạn không thể sửa được thì mới thay mới. Như vậy, quyết định sửa hay thay van cần được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch đánh giá cẩn thận dựa trên các thông tin cụ thể hơn.
Ngoài ra, mẹ bạn cũng đã 63 tuổi rồi, có rung nhĩ, suy tim và hở van hai lá nhiều. Câu hỏi đặt ra là có thể thay van qua da được hay không, sửa van được hay không? Thì trong trường hợp này, chúng tôi đã chia sẻ trao đổi từ đầu là không phải tất cả các van hở đều có thể sửa qua da.
Vì vậy, cần thêm các thông tin cụ thể để đánh giá tính khả thi của việc sửa van hai lá. Nếu việc sửa chữa là khả thi và phù hợp, đó sẽ là giải pháp nhẹ nhàng, an toàn và hiệu quả, nếu không được sẽ phải thêm ý kiến của các phẫu thuật viên để lựa chọn phương pháp khác phù hợp.
5. Hiện có những loại van tim nào? Khi thay van qua da thì sử dụng van sinh học hay van cơ học? Có phải uống thuốc kháng đông suốt đời không?
Hiện có những loại van tim nào thưa bác sĩ? Khi thay van qua da thì sử dụng van sinh học hay van cơ học ạ? Và có phải uống thuốc kháng đông suốt đời không?
BS.CKI Nguyễn Đức Hưng chia sẻ:
Thay van qua da là van sinh học. Nếu không có loại nhịp nặng như rung nhĩ thì chúng ta có thể chỉ cần dùng thuốc kháng tiểu cầu. Còn nếu như có rung nhĩ thì người bệnh sẽ phải dùng thuốc kháng đông và điều chỉnh liều theo khuyến cáo. Van cơ học thì thông thường sẽ liên quan đến vấn đề về phẫu thuật tim hở.
Thường bệnh nhân phải uống thuốc kháng đông suốt đời, nhưng còn tùy thuộc vào loại van hoặc có các tình trạng bệnh lý kèm theo hay không. Tuy nhiên, vẫn ưu tiên sửa van trước để việc dùng thuốc kháng đông sau này được nhẹ nhàng hơn.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh đã có những chia sẻ bổ sung như sau:
Tùy theo tuổi của bệnh nhân, nếu bệnh nhân 30-40 tuổi bị hở van 2 lá cần phẫu thuật, cần siêu âm tim, siêu âm qua thực quản, và ưu tiên sửa van trước. Đặc biệt nếu bệnh nhân dù có rung nhĩ nhưng đường kính dưới 50mm vẫn ưu tiên sửa van tim hơn.
Người trẻ không ưu tiên thay van sinh học, van này phù hợp cho người trên 65 tuổi. Vì khi chúng ta càng trẻ, khả năng thoái hóa oxy học càng cao nên sửa luôn tốt hơn thay van.
Trước khi thay van, bác sĩ sẽ trao đổi kỹ với người bệnh về loại van phù hợp, cắt nghĩa lợi và hại của van đó cho người bệnh hiểu. Nếu gia đình đồng ý trong tuổi 60-65 chúng ta vẫn có thể thay van sinh học được.
6. Mắc cùng lúc nhiều bệnh tim có dễ bị suy tim?
Chào bác sĩ, tôi 45 tuổi, có thói quen 1 năm đi khám sức khỏe định kỳ 1 lần. Những lần trước không sao. Lần này đi khám bác sĩ có cho làm siêu âm, chụp CT thì phát hiện hở van 2 lá, hở van 3 lá, van động mạch chủ và có ngoại tâm thu. Nhiều người nói nếu mắc cùng lúc nhiều bệnh tim như vậy rất dễ bị suy tim, cực kỳ nguy hiểm. Điều đó có đúng không bác sĩ? Tôi cần điều trị như thế nào? Xin cảm ơn.
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư chia sẻ:
Thứ nhất, phải đánh giá một cách toàn diện nhất về triệu chứng của người bệnh, đã có những biểu hiện gì của suy tim hay chưa và khám lâm sàng để đánh giá có những dấu hiệu của suy tim như: Ran ở phổi, gan lớn hoặc có tình trạng phù chân. Đây là đã biểu hiện của mức độ suy tim.
Ngoài ra, cần xem bệnh nhân có biểu hiện trên điện tâm đồ hay không, đồng thời xét nghiệm máu để xem mức độ suy tim của bệnh nhân như thế nào. Cuối cùng là siêu âm tim để đánh giá mức độ của hở van, buồng tim giãn đến đâu và chức năng tim suy giảm đến đâu. Từ đó mới có thể đưa ra cách điều trị và theo dõi phù hợp cho bệnh nhân.
7. Hở van tim 2 lá 1/4 và hở van 3 lá 2/4 thì có nghiêm trọng không?
Dạ chào bác sĩ, bác cho em hỏi chồng em bị hở van tim 2 lá 1/4 và hở van 3 lá 2/4 thì có nghiêm trọng không ạ? Cần theo dõi định kỳ như thế nào ạ?
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư chia sẻ:
Hở van tim 1/4 thường không cần phải điều trị hay uống thuốc. Còn về mức độ hở van ba lá 2/4 được tính như là mức độ trung bình và hầu như cũng không cần điều trị thuốc. Vấn đề này cần phải theo dõi, phải đi tái khám và siêu âm tim định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm để đánh giá tình trạng tiến triển của hở van 3 lá, chức năng của buồng tim phải và tình trạng áp lực phổi diễn tiến theo thời gian.
Đồng thời bệnh nhân có hở van tim từ mức độ trung bình trở lên cần chú ý, tình trạng nhiễm trùng nặng sẽ ảnh hưởng đến van tim tổn thương và gây biến chứng nặng nề như viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, nên cần lưu ý.
8. Hở van tim 3 lá nặng 3.5/4, nên phẫu thuật sửa van hay thay van?
Ba em 68 tuổi, vừa rồi đi khám tim mạch ở bệnh viện tỉnh thì phát hiện hở van tim 3 lá nặng 3.5/4 (không có tiền sử huyết áp, mấy chục năm nay đều trung bình 128/70 – 60; không có các dấu hiệu bệnh tim mạch trước đó). Bác sĩ khuyên ba nên phẫu thuật sửa van. Gia đình chưa yên tâm nên đưa ba đi khám ở một bệnh viện khác thì bác sĩ lại chỉ định thay van. Em mong các bác sĩ tư vấn giúp một số vấn đề sau ạ:
- Giữa phẫu thuật sửa van và thay van thì phương pháp nào cho hiệu quả cao và lâu dài hơn?
- Nếu thay van thì ba em nên chọn van cơ học hay sinh học? Ưu nhược điểm của từng loại như thế nào?
- Em có nghe nói về kỹ thuật sửa/thay van ít xâm lấn. Mong bác sĩ giải thích thêm phương pháp này, có thể áp dụng cho ba em không ạ?
ThS.BS Trần Thúc Khang chia sẻ:
Hở van 3 lá 1/4 nhẹ chưa cần điều trị nhưng hở van 3 lá nặng thì là một thách thức.
Hở van 3 lá trong bối cảnh của bệnh tim ở buồng tim bên trái, các buồng tim giãn ra và van 3 lá bên phải hở thứ phát. Ngược lại hở van ba lá mạch đơn thuần nguyên nhân mình phải tìm.
Về câu hỏi của bạn thì trước mắt nếu trong trường hợp hở van 3 lá mà do bệnh van tim bên trái thì thường trong lúc mà chúng tôi phẫu thuật van tim bên trái ví dụ sửa van 2 lá hoặc thay van 2 lá thì sẽ sửa van 3 lá. Trong trường hợp này kết hợp sửa van 3 lá rất là tốt, còn những nguyên nhân mà hở van 3 lá đơn thuần thì vấn đề chính không phải là mổ mà là tìm nguyên nhân của nó là gì.
Chúng tôi cần đánh giá thứ nhất đó là cơ chế hở van 3 lá như thế nào. Thứ hai là chức năng của các thất phải rất quan trọng. Trong trường hợp này, phải đánh giá suy thất phải như thế nào và hồi cứu điều trị nội khoa, tình trạng bệnh lý của bạn là tối ưu hay chưa. Khi đó chúng tôi sẽ tư vấn kỹ hơn.
9. Hở van tim 2 lá nặng 3/4 , có cần can thiệp sửa van tim không?
Tôi 55 tuổi, cách đây 2 tháng đi khám tim mạch thì phát hiện hở van tim 2 lá nặng 3/4 (không có tiền sử huyết áp, mấy chục năm nay đều trung bình 128/70 – 60; chưa có các dấu hiệu bệnh tim mạch trước đó). Siêu âm tim, đo điện tim ở nhiều bệnh viện đều cho chung một kết quả. Nhưng bác sĩ nói chưa cần phải sửa van 2 lá và cho uống thuốc, 1 tháng sau tái khám. Nay tôi đã uống thuốc được 4 tháng, tình trạng không nặng lên nhưng không dứt hẳn. Xin bác sĩ tư vấn tôi có thể can thiệp sửa van tim không?
BS.CKI Nguyễn Đức Hưng chia sẻ:
Người nhà của bạn 55 tuổi, có hở van hai lá nặng 3/4. Các triệu chứng của suy tim lâm sàng hiện chưa có những triệu chứng gì cả do đi khám định kỳ và tình cờ phát hiện ra. Vì vậy, đầu tiên là tình cờ mình phát hiện hở van thì mình nên đi tìm căn nguyên. Cụ thể các bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ sẽ tư vấn cho bệnh nhân đi chụp mạch vành để đánh giá xem động mạch vành có phải là một trong những căn nguyên gây nên triệu chứng hở van 2 lá nặng hay không.
Nếu kết quả chụp mạch vành không cho thấy bất kỳ vấn đề nào, bác sĩ sẽ cần thêm thông tin chi tiết để xác định hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp bệnh nhân ổn định khi dùng thuốc và chưa có triệu chứng suy tim, mệt hay tăng áp phổi hoặc loạn nhịp tim thì việc duy trì tình trạng hiện tại bằng thuốc điều trị suy tim là điều cần thiết. Đồng thời, bệnh nhân cần chú ý phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
Thông thường các bác sĩ sẽ dựa trên siêu âm tim để tư vấn xem có sửa được qua da hay không hoặc là sửa xâm lấn. Vì vậy hiện tại chúng ta cần theo dõi nội khoa định kỳ để quan sát khi có những vấn đề cần bác sĩ chuyên khoa tim mạch xử lý một cách tích cực hơn. Hiện tại, bạn nên đến các đơn vị có chuyên khoa tim mạch để thăm khám theo dõi sức khỏe để có tư vấn phù hợp với mức độ tình trạng bệnh của mình.
10. Hở van 2 lá, 3 lá, động mạch phổi,mức độ nhẹ nhưng tuần hoàn máu kém, cần làm các xét nghiệm gì tại BVĐK Tâm Anh?
Con trai tôi 8 tuổi, hay có dấu hiệu mệt mỏi, khó thở, gắng sức kém hơn bạn đồng trang lứa. Tôi có đưa cháu đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ siêu âm tim bảo cháu bị hở van 2 lá, 3 lá, động mạch phổi, tuy mức độ nhẹ nhưng tuần hoàn máu cơ thể rất kém. Hiện tôi muốn đưa cháu đi khám thêm ở bệnh viện Tâm Anh, xin hỏi bác sĩ để đánh giá chính xác tình trạng hở van của cháu thì cần làm các xét nghiệm gì?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ:
Đầu tiên, với một em bé 8 tuổi than phiền mệt mỏi và kết quả siêu âm cho thấy hở van tim 1/4, không cần quá lo lắng. Tôi khuyên bạn nên đưa bé đến một trung tâm y tế thứ hai để kiểm tra lại. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành khám tổng quát, bao gồm siêu âm tim để đánh giá kích thước tim, điện tâm đồ và xét nghiệm máu để tìm xem có bất kỳ bất thường nào không.
Nếu tất cả các kết quả đều bình thường, chúng tôi sẽ khuyên nên cho bé thăm khám lại sau một năm để theo dõi. Trong thời gian đó, bé có thể sinh hoạt bình thường mà không cần lo lắng quá mức. Điều quan trọng là theo dõi sức khỏe của bé, nhưng với tình trạng hiện tại, không có gì quá lo ngại.
11. Bệnh van tim nếu không phát hiện sớm, không điều trị đúng và kịp thời sẽ gây ra những hậu quả, biến chứng nào?
Thưa bác sĩ, bệnh van tim nếu không phát hiện sớm, không điều trị đúng và kịp thời sẽ gây ra những hậu quả, biến chứng nào?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ:
Biến chứng là suy tim phải. Nếu một người hở van 2 lá mà van còn sửa được bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng sửa. Không ai muốn thay van ở một em bé 8 tuổi hết. Nếu hở van hai lá mà mới có 2/4 là trung bình. Bệnh nhân có thể không cảm thấy triệu chứng cơ năng. Thường là chúng tôi sẽ làm siêu âm tim, sau đó siêu âm gắng sức hoặc siêu âm tim với xe đạp bàn nghiêng.
12. Hở van tim 3 lá 3/4 bẩm sinh thì nên phẫu thuật thay van tim càng sớm càng tốt hay đợi trẻ lớn hơn mới phẫu thuật?
Thưa bác sĩ, trẻ 5 tuổi, hở van tim 3 lá 3/4 bẩm sinh thì nên phẫu thuật thay van tim càng sớm càng tốt hay đợi trẻ lớn hơn mới phẫu thuật được ạ? Có thể mổ ít xâm lấn hay phải mổ hở ạ?
ThS.BS Trần Thúc Khang chia sẻ:
Như bạn đã nói, trẻ mới có 5 tuổi và nguyên nhân bẩm sinh. Riêng bình thường van 3 lá bám ở vòng van 3 lá. Trong trường hợp van ba lá bám thấp xuống buồng thất phải, và có những trường hợp lá van dính vào buồng thất gây hở van. Nguyên nhân hở van ba lá trong trường hợp này cần phải đến trung tâm tim mạch để đánh giá lại nguyên nhân cụ thể là gì.
Trong từng trường hợp cụ thể, ngoài sửa van 3 lá, thì người ta thường kèm theo những kỹ thuật khác phối hợp. Phần lớn ở trẻ em thì sửa van 3 lá còn đánh giá chi tiết là mổ nội soi hay mổ hở.
Nếu muốn mổ ít xâm lấn hoặc mổ nội soi thì tuần hoàn ngoài cơ thể phải chạy ở ngoại biên, tức là đưa ống thông vào trong động mạch đùi, đặc biệt ở những trẻ quá nhỏ thì hầu như là không thực hiện được vì nguy cơ tổn thương mạch máu ngoại biên rất lớn. Do đó những trường hợp này bạn nên đưa bé đến bệnh viện Tâm Anh để được đánh giá đầy đủ và tư vấn kế hoạch cụ thể.
13. Vôi hóa van tim có thể điều trị bằng thuốc không?
Mẹ em năm nay 56 tuổi, chưa có triệu chứng gì nhưng đi khám phát hiện vôi hóa van tim. Bác sĩ chỉ định mổ thay van động mạch chủ. Gia đình động viên nhưng vì mẹ em lớn tuổi (78 tuổi) và tâm lý hay lo lắng nên mẹ không muốn mổ. Em muốn hỏi nếu chỉ điều trị bằng thuốc thì tình trạng của mẹ có đỡ hơn không, hay bắt buộc phải mổ ạ?
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư chia sẻ:
Thông tin bạn cung cấp là mẹ của bạn năm nay 78 tuổi, có đi khám thì được biết là có vôi hóa động mạch chủ. Như đã biết, tình trạng hở van động mạch chủ thường là do hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là bệnh lý tại van động mạch chủ hoặc là bệnh lý của động mạch chủ lên có thể gây hở van động mạch chủ. Bệnh lý tại van động mạch chủ gây hở van thì có thể ở người lớn tuổi như bác thì thường gặp nhất là tình trạng do thoái hóa van.
Theo thông tin thì mẹ của bạn chưa có triệu chứng gì, cách tốt nhất là nên đưa mẹ bạn đến những trung tâm có đơn vị bệnh van tim chuyên sâu để được khám và đánh giá toàn diện. Từ đó mình sẽ định lượng mức độ nặng của hở van động mạch chủ cũng như là sự suy giảm của chức năng các buồng tim.
14. Khớp đớp tim có nguy cơ bị bệnh tim không? Có nên tầm soát bệnh tim không?
Mẹ em 64 tuổi, bị bệnh khớp khoảng 10 năm nay, gồm viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa khớp gối, loãng xương, thoát vị đĩa đệm, bệnh ngày càng nặng. Em nghe nói “khớp đớp tim”, tức là mẹ em có nguy cơ bị bệnh tim phải không bác sĩ? Có nên đưa mẹ em đi tầm soát bệnh tim không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ!
BS.CKI Nguyễn Đức Hưng chia sẻ:
Mẹ bạn bị bệnh khớp nặng thì tình trạng cũng tương đối phức tạp. Đối với những người có bệnh khớp như mẹ của bạn, thông thường nhấn mạnh đến khớp thoái hóa không do những vấn đề về tự miễn. Thứ hai, khi bạn đã có những câu hỏi lăn tăn về những bệnh lý về tim mạch có liên quan đến khớp hay không thì thực tế nó không có liên quan đến khớp.
Chúng ta vẫn nên đi khám và sàng lọc thêm các yếu tố nguy cơ bệnh lý kèm theo. Chuyên gia về tim mạch sẽ thăm khám để khẳng định rằng mẹ bạn có những bệnh lý tim mạch hoặc van tim kèm theo hay không. Ngoài ra, việc thăm khám tim mạch cũng rất có ý nghĩa để đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ bạn, trước khi các bác sĩ cơ xương khớp có những quyết định điều trị chuyên sâu hơn. Ví dụ như là tiêm khớp hay vấn đề gì khác.
15. Hở van 2 lá 2/4 có tái phát và nặng hơn khi tập aerobic không?
Em năm nay 31 tuổi, em biết mình mắc bệnh tim vào 3 năm trước với dấu hiệu tim đập nhanh, bị phù phần trước ngực và hơi thở đứt quãng. Đi khám thì được chẩn đoán hở van 2 lá 2/4, sau khi uống thuốc theo đơn và ăn uống sinh hoạt lành mạnh thì đã hết phù phần trước ngực, cảm thấy nhịp tim cũng ổn định hơn. Sau đó em không dùng thuốc nữa.
Nửa tháng nay em đi tập aerobic thì thấy tim đập nhanh, thở đứt quãng, em muốn hỏi có phải bệnh của em tái phát và nặng thêm không? Bệnh như em có tập tiếp môn thể thao này được không? Rất mong nhận được câu trả lời của bác sĩ để em có thể cải thiện sức khỏe của mình.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ:
Triệu chứng phù trước ngực không phải là dấu hiệu liên quan đến hở van 2 lá mức độ 2/4, vì vậy có thể xem đó là một nhận định chưa phù hợp, Nếu kết quả hai bác sĩ cho thấy hở van 2 lá mức độ 2/4 thì việc uống thuốc không thể cải thiện tình trạng này.
Để chắc chắn hơn, em nên đến một cơ sở y tế khác để siêu âm kiểm tra lại. Nếu kết quả vẫn là hở van 2 lá 2/4 và em không gặp các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở khi đi bộ lên 3 tầng lầu thì việc tập thể dục như Aerobic hoặc gym vẫn có thể thực hiện. Tuy nhiên hãy bắt đầu với cường độ nhẹ nhàng, nếu có bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào trong quá trình tập luyện, em cần đi khám ngay lập tức.
16. Kỹ thuật mổ tim gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) có lợi ích gì và được triển khai như thế nào tại BVĐK Tâm Anh?
Mẹ tôi phát hiện hở van 2 lá nhẹ từ năm 28 tuổi, đi khám theo dõi định kỳ, uống thuốc theo toa. Nay mẹ 61 tuổi, van hở nặng lên (3.5/4) kèm xơ van, suy tim mức độ vừa (EF xấp xỉ 40%), rung nhĩ. Bác sĩ nói tình trạng mẹ tôi đã có chỉ định mổ thay van, mẹ cũng muốn mổ vì dạo này sức khỏe kém hẳn, đi bộ một lúc là mệt, thường xuyên thở dốc.
Nhưng tôi sợ sức khỏe mẹ không đủ điều kiện trải qua ca mổ phức tạp. Vừa rồi tôi đọc được bài báo nói về kỹ thuật mổ tim gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp giảm đau, nhanh hồi phục. Xin hỏi bác sĩ kỹ thuật này hiện được triển khai ở Tâm Anh như thế nào? Liệu có áp dụng cho trường hợp mẹ tôi không ạ?
ThS.BS Trần Thúc Khang chia sẻ:
Như bạn đã nói thì vấn đề thứ nhất là mẹ bạn bị hở van 2 lá để khá lâu, bây giờ có những biến chứng như suy tim, loạn nhịp tim, rung nhĩ và đây cũng là hai biến chứng hay gặp nhất trong bệnh lý van 2 lá. Do đó bạn phải nên đưa mẹ đến bệnh viện sớm để đánh giá đầy đủ trước khi chúng tôi có chỉ định có phẫu thuật được hay không.
Bạn nói rằng mẹ rất hay mệt vì đây là những triệu chứng cơ năng của bệnh suy tim và đây là một vòng luẩn quẩn bệnh lý chỉ có phẫu thuật giải quyết bệnh lý van 2 lá, thì cơ may giải quyết được những triệu chứng gắng sức của bệnh nhân.
17. Bệnh nhân van tim, cần phải chú ý những gì sau khi can thiệp/phẫu thuật?
Với bệnh nhân bị bệnh van tim, cần phải chú ý những gì sau khi can thiệp/phẫu thuật ạ?
ThS.BS Trần Thúc Khang chia sẻ:
Khi theo dõi ở nhà hoặc lâu dài thì cần chú ý một số vấn đề. Thứ nhất, là dùng thuốc, đặc biệt là thuốc chống đông ở những bệnh nhân dùng van cơ học hoặc những bệnh nhân rung nhĩ… Thuốc chống đông cần dùng lâu dài thì phải tuân thủ các y lệnh dùng chống đông để tránh nguy cơ tạo huyết khối trên van gây tắc kẹt van, gây tắc mạch não, đột quỵ… Hoặc dùng thuốc chống đông quá liều sẽ gây biến chứng chảy máu.
Đặc biệt ở Trung tâm Tim mạch, bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi có sẵn tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc chống đông. Bệnh nhân sẽ được cung cấp khi đến điều trị. Bên cạnh đó các thuốc như thuốc điều trị suy tim, loạn nhịp phải tuân thủ đúng liều lượng.
Lưu ý thứ hai là về hoạt động thể chất. Sau khi phẫu thuật van tim, tùy theo tình trạng hồi phục của từng bệnh nhân và loại phẫu thuật, mỗi bệnh nhân cần có một kế hoạch hồi phục thể chất của riêng. Đối với phẫu thuật thực hiện qua đường mở dọc giữa xương ức thì bác sĩ khuyên rằng trong 3 tháng đầu hạn chế mang vác những vật nặng mà quá 3kg.
Vấn đề tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ tim mạch là rất quan trọng bởi vì khi tái khám sẽ theo dõi được hoạt động của van tim hoặc van nhân tạo. Thứ hai, giúp kiểm soát được hiệu quả của thuốc chống đông. Thứ ba, có thể phát hiện sớm những biến chứng mới xuất hiện như loạn nhịp tim, tình trạng suy tim mới xuất hiện… Và kiểm soát được nhiễm trùng răng miệng, điều này rất quan trọng cho các bệnh nhân sau mổ van tim.
Cuối cùng, là lưu ý bệnh nhân có những dấu hiệu chảy máu do biến chứng hoặc cấp cứu ngoại khoa sau khi phẫu thuật bệnh van tim.
18. Cách chăm sóc cho bệnh nhân thay van tim?
Chào bác sĩ, mẹ em mổ thay van tim nay gần 2 tháng rồi mà mỗi lần nằm giường ngồi dậy, hay đi xe vẫn đang khó khăn và đau vết thương ạ? Không biết bao lâu mới phục hồi được ạ? Cần chăm sóc thế nào để mau hồi phục ạ?
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư chia sẻ:
Mẹ bạn đã được thay van tim cách đây 2 tháng chắc là sẽ mổ van hở, thì sẽ có đường mổ dọc giữa xương ức. Đường mổ này rất dài, khoảng 5cm, do mình sẽ cắt đứt hết những mạch máu cũng như thần kinh nên vấn đề đau kéo dài là thường hay gặp và mức độ đau tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân.
Khả năng hồi phục của bệnh nhân, độ chịu đựng mức độ đau của bệnh nhân sẽ thay đổi khác nhau tùy từng người. Có những người sau phẫu thuật sau 6 tháng vẫn cảm thấy đau, vì lúc cưa xương ức thì mình đã cắt đứt những mạch máu với thần kinh ở đó thì vấn đề đau khó có thể tránh khỏi.
19. Phòng khám van tim tại BVĐK Tâm Anh có cần đặt lịch trước không? Đặt như thế nào?
Nhiều khán giả hỏi Lịch khám của Phòng khám van tim như thế nào ạ? Có phải đặt lịch khám trước ko?
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư chia sẻ:
Phòng khám van tim được đặt tại phòng khám số 4 của Trung tâm Tim mạch bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM Hồ Chí Minh, lầu 2, khu A và thăm khám ở tất cả các ngày. Mỗi ngày đều có những bác sĩ chuyên khoa khám tại phòng khám, nếu người bệnh muốn đăng ký khám thì có thể đặt lịch hẹn qua tổng đài.
20. Ảnh hưởng hoặc rủi ro của thương pháp thay van, hay can thiệp thay van?
Bố em bị đái tháo đường, dạo này em thấy bố có dấu hiệu khó thở, đau ngực cả khi nghỉ ngơi và bị sưng phù ở chân. Em đưa bố đi khám thì phát hiện hở van động mạch phổi 3/4 và có dấu hiệu nặng hơn do phát hiện trễ. BS có chỉ định thay van để ngăn ngừa suy tim, bố em năm nay đã 72 tuổi, BS cho em hỏi nếu mổ thay van hay can thiệp thay van thì có ảnh hưởng gì hay rủi ro gì không ạ?
BS.CKI Nguyễn Đức Hưng chia sẻ:
Hiện tại, bố bạn có đái tháo đường, hở van động mạch phổi 3/4. Theo những triệu chứng mà bạn kể có sưng phù ở chi dưới, khó thở, đau ngực khả năng là có dấu hiệu của suy tim phải. Sẽ có rất nhiều nguyên nhân gây nên hở van phổi như bị tăng áp lực mạch phổi. Vì vậy, tìm căn nguyên tại sao hở van động mạch phổi là vấn đề đầu tiên cần phải đặt ra để tìm được hướng xử lý gốc rễ.
Vấn đề thứ hai, giả sử các bác sĩ trao đổi cần phải thay van động mạch phổi thì việc đánh giá trên siêu âm tim và đánh giá chức năng thất trái là vấn đề rất quan trọng. Bởi vì, khi được chỉ định để xử lý van động mạch phổi thì thông thường sẽ ít khi phẫu thuật, mà sẽ xử lý gốc rễ căn nguyên của tình trạng này. Vì vậy rất mong bạn đến bệnh viện, để chúng tôi khảo sát kỹ hơn về căn nguyên ban đầu và cho những tư vấn phù hợp.
21. Sau khi mổ van tim, việc đi lên xuống cầu thang có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Mẹ em sẽ được mổ van tim vào tháng 9 tới. Bà 67 tuổi, nặng khoảng 56kg, có cao huyết áp và đái tháo đường. Cho em hỏi trước và sau khi mổ nên lưu ý gì trong chế độ dinh dưỡng và vận động. Phòng ngủ của mẹ ở lầu 1, sau khi mổ việc đi lên xuống cầu thang có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ không? em cảm ơn bác sĩ.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ:
Em chưa cung cấp thông tin cụ thể về việc mẹ em sẽ phẫu thuật van 2 lá hay van động mạch chủ. Tuy nhiên thì cả hai van đó đều ảnh hưởng đến thất trái hết. Trong trường hợp này, để chuẩn bị tốt trước khi phẫu thuật, mẹ em nên đi khám răng miệng để ngăn ngừa nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
Ngay cả khi bệnh nhân có suy tim nếu có thể nên tập thở. Sau khi mổ thì tốt nhất nên ở dưới đất chứ không nên ở trên lầu, vì khi có chuyện gì chúng ta chăm sóc dễ hơn. Người bệnh cũng nên cố gắng tập vật lý trị liệu để giúp hồi phục nhanh hơn..
22. Có cần mổ thay van gấp không, các loại van và lưu ý trước khi mổ?
Tôi 57 tuổi, bị hẹp van 2 lá, diện tích mở van 1,1cm2, hở van 2 lá, 3 lá, động mạch chủ 1/4. Không tăng áp lực phổi, lá van dày, xơ hóa, vôi hóa, dính 2 mép, giãn nhĩ trái, bộ máy dưới van khá dày, chức năng tâm thu thất trái tốt (35mmHg), không có huyết khối.
Bác sĩ có chỉ định mổ thay van trong vòng 6 tháng tới. Vừa rồi tôi bị cảm và mệt hơn, bác sĩ cho uống thuốc chống đông và chống rung nhĩ (cơ học), hiện nhịp tim đã trở lại bình thường, không thấy mệt như tuần trước nữa. Xin bác sĩ tư vấn liệu tôi có cần mổ thay van gấp không, cần thay van loại gì và khi làm phẫu thuật thì cần kiêng cữ gì trước khi vào phòng mổ? Xin cảm ơn bác sĩ.
ThS.BS Trần Thúc Khang chia sẻ:
Vấn đề thứ nhất, đây là một trường hợp khá điển hình hẹp van hai lá xơ hóa nặng đã lâu rồi. Bệnh nhân đã có biến chứng loạn nhịp tim đặc biệt là rung nhĩ. Nhưng theo thông tin bạn cung cấp thì bây giờ nhịp tim đã trở về bình thường. Vậy khả năng có thể nhiều nhất đó là trường hợp hẹp van 2 lá xơ vôi hóa, rung nhĩ mới xuất hiện hoặc một rung nhĩ cơ.
Do vậy, trong trường hợp này bạn nên đến bệnh viện có trung tâm tim mạch, nơi có đơn vị phẫu thuật tim để được khám đánh giá và phẫu thuật sớm.
Trong những trường hợp rung nhĩ mới xuất hiện trong vòng 3 tháng, nếu giải quyết được nguyên nhân hẹp van 2 lá, thì cơ may bệnh nhân sẽ trở về được nhịp cơ bản ban đầu. Khi đó chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn. Vấn đề thứ hai là loại van, nếu bệnh nhân có chỉ định thay van, thì sẽ có hai loại van:
- Thứ nhất là van cơ học: Được làm bằng kim loại. Ưu điểm là van có tuổi thọ dài, nhưng hạn chế là bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông kéo dài.
- Thứ hai là van sinh học: Được sản xuất bằng màng tim bò hoặc heo đã qua xử lý. Ưu điểm là bệnh nhân sẽ chỉ dùng thuốc chống đông ngắn hạn sau mổ nếu nhịp tim bình thường. Nhưng hạn chế là tuổi thọ van ngắn hơn.
Như vậy để chọn loại van nào cần dựa vào nhiều yếu tố. Tóm lại ưu tiên van sinh học nếu bệnh nhân trẻ dưới 60 hoặc 65 tuổi, bệnh nhân chấp nhận sử dụng thuốc chống đông kéo dài và bệnh nhân mong muốn tuổi thọ van kéo dài.
Dùng van sinh học thì ưu tiên cho bệnh nhân lớn tuổi, những bệnh nhân từ chối dùng chống đông kéo dài, hoặc trường hợp phụ nữ đang có kế hoạch mang thai trong tương lai thì cũng xem xét đặt van sinh học.
Tại trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh có quy trình chuẩn bị trước mổ rất bài bản. Thứ nhất, chúng tôi đánh giá tình trạng tim, van tim, chức năng tim, đánh giá tình trạng sức khỏe toàn thân của bệnh nhân. Điều trị nội khoa tích cực tối ưu tất cả các loại điều trị nhiễm trùng, các nhiễm trùng tai, mũi, họng, răng, hàm, mặt trước. Trong trường hợp này bạn nên đến bệnh viện sớm để được đánh giá và phẫu thuật sớm.
23. Chỉ định điều trị ở bệnh nhân béo phì hở van 2 lá nặng ?
Tôi bị ở van 2 lá 3/4 nhưng không có triệu chứng mệt, khó thở hay đau tức ngực nhưng bác sĩ nói nếu có điều kiện nên mổ sớm vì tôi có nền bị béo phì nên cũng nguy hiểm. Tôi tìm hiểu thì được biết khi mổ nếu gây mê với người bị béo phì như tôi rất dễ xảy ra biến chứng. Xin bác sĩ cho tôi biết có phương pháp điều trị nào có thể thay thế nữa không ạ? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư chia sẻ:
Trường hợp của bạn được đánh giá là hở van 2 lá mức độ nặng. Tuy nhiên không có triệu chứng cơ năng. Về chỉ định phẫu thuật van 2 lá thì ngoài triệu chứng cơ năng như bệnh nhân có biểu hiện suy tim, khó thở, giảm khả năng gắng sức,…
Bác sĩ còn dựa vào các tiêu chuẩn khác để xem xét chỉ định phẫu thuật như: Sự giãn của buồng tim, phân suất tống máu của buồng tim trái, bệnh nhân đã có tăng áp lực động mạch phổi hoặc là đã xuất hiện loạn nhịp như rung nhĩ,… Những dấu hiệu này thường được chỉ định phẫu thuật ở những bệnh nhân có hở van 2 lá nặng.
Ở trường hợp không có triệu chứng thì cách tốt nhất là nên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được đánh giá kỹ hơn về cơ chế, mức độ nặng của hở van, độ giãn của các buồng tim, tình trạng suy giảm chức năng của buồng tim trái cũng như là tình trạng áp lực phổi.
Nếu không có những biểu hiện của suy chức năng thất trái thì chúng tôi có thể đánh giá qua nghiệm pháp siêu âm tim gắng sức hoặc là siêu âm tim Dobutamine. Từ đó, chẩn đoán xem khi gắng sức bạn đã có triệu chứng hay chưa, hoặc có tình trạng tăng áp lực phổi hay không để đưa ra quyết định phẫu thuật.
24. Ngăn ngừa nguy cơ biến chứng ở người hở van tim bẩm sinh có bệnh bệnh lý đi kèm?
Thưa bác sĩ, tôi là nữ, 45 tuổi, tôi bị hở van tim bẩm sinh, gần đây tôi đi khám thì phát hiện cholesterol cao và thiếu máu, cộng thêm tôi bị thừa cân nên bác sĩ bảo cần phải cẩn thận nên rất lo lắng. Cho tôi hỏi các tình trạng này có gây ảnh hưởng đến bệnh hở van tim không, tôi cần phải làm gì để phòng bệnh tiến triển. Cảm ơn bác sĩ ạ.
BS.CKI Nguyễn Đức Hưng chia sẻ:
Chị đã chia sẻ rằng chị bị hở van tim bẩm sinh và đến bây giờ chị 45 tuổi và các bác sĩ chuyên khoa tim mạch vẫn chưa chỉ định phẫu thuật. Điều này cho thấy mức độ hở van tim của chị có thể ở mức độ vừa phải và chưa gây khó chịu đáng kể.
Tuy nhiên, ở độ tuổi 45, chị sẽ bắt đầu có những triệu chứng của những bệnh lý như: Tăng Cholesterol, thừa cân,… Vì vậy, hiện tại những bệnh lý tim mạch chuyển hóa này sẽ có ảnh hưởng đến tình trạng hở van tim.
Tuy nhiên, do những bệnh lý về mặt chuyển hóa có thể ảnh hưởng đến xơ vữa mạch máu, bệnh lý mạch vành làm nghiêm trọng hơn tình trạng bệnh. Vì vậy, đến hiện tại triệu chứng của chị có những căn cứ liên quan chặt chẽ với các bệnh chuyển hóa, còn với bệnh lý mãn kinh của chị thì hiện tại là chưa có. Tuy nhiên, theo như diễn biến của bệnh thì tốt nhất là chị nên đến Trung tâm tim mạch để được theo dõi và đánh giá mức độ tiến triển của bệnh hở van tim.
Rất hy vọng rằng là mức độ hở van tim của chị sẽ ổn định lâu dài. Trong quá trình điều trị thì chị cũng nhớ luôn giữ vệ sinh răng miệng để phòng nguy cơ viêm nội tâm nhiễm trùng do bệnh lý hở van tim bẩm sinh của mình.
25. Lời khuyên cho người bệnh đã phẫu thuật và can thiệp thay van tim?
Trước khi khép lại chương trình, Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh tránh có thể cho lời khuyên dành cho các bệnh nhân đã phẫu thuật hay can thiệp thay van tim cần theo dõi, chăm sóc sức khỏe như thế nào để duy trì hiệu quả điều trị? Và những trường hợp hở van đang điều trị nội khoa thì cần lưu ý gì ạ?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ:
Đầu tiên là chúng ta đừng sợ hãi bệnh van tim. Hiện nay, các bác sĩ đều được đào tạo rất kỹ, bệnh viện có đủ phương tiện để phát hiện sớm bệnh. Khi đã được phát hiện, khi đã được thay van hoặc đã được can thiệp rồi đó thì quan trọng nhất chúng ta nên làm là thực hiện theo chỉ định của bác sĩ như uống thuốc chống đông. Do đó, chúng ta nên thực hiện đúng hướng dẫn và thường xuyên thăm khám định kỳ.
Nếu có thêm bất cứ băn khoăn, lo lắng nào, Quý vị có thể tiếp tục gửi về BVĐK Tâm Anh bằng cách đặt câu hỏi ở phần Hỏi đáp tại website tamanhhospital.vn, inbox cho fanpage BVĐK Tâm Anh, hoặc liên hệ Tổng đài của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 024 7106 6858 – 024 3872 3872 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 – 093 180 6858 (tại TP.HCM) để được tư vấn chi tiết.
Xin chào và hẹn gặp lại trong những chương trình Giao lưu trực tuyến lần sau. Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị trực tiếp với các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.