Làm mẹ sau ghép thận nhờ cá thể hóa điều trị
Sau 5 năm ghép thận, chị Nhi 41 tuổi sinh bé gái khỏe mạnh. Đó là nhờ bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP.HCM cá thể hóa phác đồ điều trị để mang thai an toàn và chống đào thải thận mới ghép.
Chị Phạm Thị Thu Nhi được làm mẹ lần đầu vào năm 27 tuổi. Dự định khi con lớn một chút, vợ chồng chị tính tới chuyện có thêm em bé. Nhưng đầu năm 2016, chị phát hiện bị suy thận mạn. Sau 3 năm điều trị bảo tồn chức năng thận, chị chuyển sang giai đoạn chạy thận nhân tạo. Cơ hội làm mẹ lần thứ hai đóng lại bởi với phụ nữ mắc bệnh thận mạn hay đang chạy thận nhân tạo gần như không thể mang thai do chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, thậm chí không có kinh; giảm ham muốn tình dục; không rụng trứng…
Năm 2019, chị được ghép thận thành công, không cần chạy thận, sức khỏe dần phục hồi, chức năng quả thận ghép và các cơ quan khác dần ổn định, chu kỳ kinh nguyệt trở lại. Và, chị lại ấp ủ hy vọng được làm mẹ thêm một lần nữa.
TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Trưởng khoa Nội thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết người bệnh sau ghép thận phải uống thuốc ức chế miễn dịch suốt đời để ngăn cơ thể đào thải thận mới ghép. Vì vậy, việc mang thai rất nguy hiểm cho mẹ và bé, bởi thuốc có thể ảnh hưởng đến thai nhi như sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh… Riêng người mẹ nếu mang thai sẽ bị rối loạn và suy giảm chức năng thận, dẫn đến loãng xương, huyết áp cao, tiểu đường… Nếu việc thay đổi thuốc không chuẩn chỉnh thì làm tăng nguy cơ đào thải thận mới ghép, đe dọa sức khỏe và tính mạng người mẹ.
Đứng trước thử thách này, và để giúp chị Nhi có thể mang thai, bác sĩ Dung cùng ekip khoa Nội thận – Lọc máu nỗ lực tìm ra phác đồ thuốc mới cân bằng, ít tác dụng phụ nhất, vừa đảm bảo an toàn cho em bé, vừa bảo tồn được chức năng quả thận ghép và sinh mạng của mẹ. Cả bác sĩ và chị đều thống nhất nếu trong 2 năm thay đổi thuốc không thể mang thai, sẽ chấp nhận gác lại khao khát làm mẹ, để bảo toàn sức khỏe sau ghép thận.
Cuộc chiến được làm mẹ bắt đầu. Mỗi ngày, chị Nhi được bác sĩ hướng dẫn uống thuốc đúng giờ (8 giờ sáng và 20 giờ tối), đúng liều lượng. Định kỳ hàng tháng, chị đến bệnh viện tái khám. Ngoài các xét nghiệm chức năng thận thường quy (urê máu, creatinine huyết thanh…), chị xét nghiệm nồng độ thuốc chống thải ghép trong máu để theo dõi mức độ phù hợp với thuốc và khả năng hấp thu thuốc.
3 tháng sử dụng phác đồ thuốc mới, sức khỏe và chức năng thận của chị ổn định. Bác sĩ đồng ý cho chị mang thai tự nhiên.
May mắn một lần nữa mỉm cười, “tin vui” đến với gia đình chị chỉ sau vài tháng điều trị theo phác đồ mới
Cân não mổ lấy thai tuần 38
Ngày chị Nhi có tin vui, bác sĩ Dung liên hệ trực tiếp cho Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để chăm kỹ “con quý, con hiếm”.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Quý Khoa, Phó khoa Sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết ở phụ nữ ghép thận, suy thận, nguy cơ cao huyết áp cao hơn hẳn phụ nữ bình thường. Ở người bình thường, huyết áp trên 140/90 mmHg mới là cao huyết áp nhưng ở phụ nữ ghép thận mang thai, huyết áp chỉ cần trên 120/80 mmHg đã là cao.
Do đó, xuyên suốt thai kỳ, tất cả thông tin sức khỏe mẹ và bé như chức năng thận, phác đồ thuốc sử dụng, chỉ số huyết áp, thay đổi về thai nhi… được cả hai khoa trao đổi, nắm rõ để đưa ra kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp cho từng giai đoạn thai kỳ.
Định kỳ hàng tháng, chị Nhi cùng chồng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tái khám đồng thời ở khoa Sản và khoa Nội thận – Lọc máu.
3 tháng đầu thai kỳ (tuần 1-tuần 13), chị Nhi được 2 khoa theo dõi chặt chẽ để tầm soát nguy cơ tăng huyết áp trong thai kỳ – biến chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai ảnh hưởng cả mẹ và bé. Ở mẹ, tình trạng này nguy cơ gây bong nhau, đột quỵ, suy đa tạng… Với thai nhi, có thể khiến thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non, thai chết lưu (thai ngừng phát triển ở tuần thứ 20 của thai kỳ và lưu lại trong tử cung của mẹ)…
Bắt đầu từ tháng thứ 6, khoảng cách giữa hai lần tái khám của chị Nhi rút ngắn còn 1-2 tuần/lần để theo dõi chặt hơn chức năng thận của mẹ và sức khỏe của thai nhi. Ngoài ra, chị được hướng dẫn những trường hợp cần tái khám ngay như huyết áp tăng bất thường, khó thở, mờ mắt, đau quặn bụng,…
Theo bác sĩ Khoa, đây là giai đoạn thai nhi phát triển lớn, có thể phát sinh biến chứng với sức khỏe người mẹ. Một trong biến chứng nguy hiểm nhất là tiền sản giật, đặc trưng bởi hiện tượng huyết áp tăng cao kèm tiểu đạm, có thể cướp đi sinh mạng người mẹ và em bé. Nguy cơ tiền sản giật cao hơn ở người mẹ có bệnh nền về thận hoặc ghép thận như trường hợp chị Nhi.
Nguy cơ này thật sự xảy ra ở tuần thai thứ 38 lẻ 3 ngày. Huyết áp chị Nhi tăng vọt lên 163/100 mmHg. Bác sĩ khoa Sản hội chẩn với bác sĩ Nội thận – Lọc máu, đánh giá giai đoạn này thai nhi đã phát triển đầy đủ, đủ khả năng sống ở môi trường bên ngoài. Do đó, bác sĩ hai khoa thống nhất mổ lấy thai, bảo đảm an toàn cho sức khỏe em bé và chức năng thận ghép của mẹ.
Em bé chào đời khỏe mạnh, cân nặng đạt 3,42kg, nằm trong mức bình thường (2,5-4kg).
Sau ca mổ, chị Nhi được chuyển đến khoa Nội thận – Lọc máu để theo dõi chức năng thận ghép. Chị Nhi chỉ có ít thời gian bên “cô công chúa nhỏ”.
Sau 5 ngày, sức khỏe và chức năng thận ghép phục hồi tốt, bác sĩ Dung cho chị xuất viện. “Tôi đang rất nhớ và mong được gặp thiên thần nhỏ của mình”, chị Nhi chia sẻ.
Theo bác sĩ Dung, em bé ra đời khỏe mạnh không chỉ mang lại niềm vui cho gia đình và còn là món quà quý giá với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bởi với nhiều phụ nữ, nhất là người trẻ khát khao được có con sau ghép thận. Trường hợp của gia đình chị Nhi là “quả ngọt” kết tinh từ tình yêu thương vô bờ của cha mẹ dành cho con, và từ sự nỗ lực hết mình, phối hợp chặt chẽ của tập thể bác sĩ khoa Nội thận – Lọc máu và khoa Sản.
Sau khi xuất viện, chị Nhi cần tái khám định kỳ hàng tháng để theo dõi chức năng thận ghép.
Cơ hội làm mẹ cho phụ nữ ghép thận
Hội Thận học Thế giới (ISN) ước tính trên thế giới hiện có khoảng 850 triệu người mắc bệnh thận, tỷ lệ mắc cao gần gấp đôi bệnh tiểu đường và gấp 20 lần bệnh ung thư. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh thận mạn chiếm khoảng 10,1% dân số, tương đương hơn 10 triệu người mắc, với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm.
Theo bác sĩ Dung, không có chống chỉ định phụ nữ ghép thận mang thai nhưng thông thường, bác sĩ không khuyến khích do trong quá trình mang thai, cả mẹ và bé phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe như tiền sản giật, sinh non, sảy thai, thai chậm phát triển, thai chết lưu…, thậm chí nguy hiểm tính mạng người mẹ.
Tuy nhiên, cơ hội làm mẹ của phụ nữ ghép thận không hoàn toàn khép lại. Thực tế, ngay từ năm 1958, thế giới đã ghi nhận trường hợp phụ nữ ghép thận sinh con thành công. Em bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ với cân nặng 3,3kg. Ngoài ra, một nghiên cứu thống kê của các nhà khoa học Mỹ năm 2019 cho thấy tỷ lệ sinh con thành công xấp xỉ 73%.
Là bác sĩ đã điều trị, giúp cho 3 trường hợp phụ nữ ghép thận sinh em bé thành công, bác sĩ Dung cho biết để người phụ nữ ghép thận có thể mang thai cần nhiều yếu tố.
Thời điểm mang thai an toàn nên sau ghép thận từ một năm trở lên nhưng không được quá lâu do chức năng thận ghép có thể suy giảm theo thời gian, kéo theo suy giảm chức năng các cơ quan khác như tim, gan, phổi… Ngoài ra, người bệnh cần được xây dựng phác đồ thuốc phù hợp, an toàn hơn cho mẹ và bé, nếu trong tối thiểu 3 tháng đổi thuốc, chức năng thận duy trì ổn định mới có thể mang thai.
Bác sĩ Dung cho biết phác đồ thuốc cần xây dựng theo hướng cá thể hóa cho riêng từng người bệnh. Bởi, mỗi người bệnh phù hợp với một hoặc một số loại thuốc khác nhau. Không thể sử dụng một loại thuốc chung cho nhiều người bệnh. Hơn nữa, cùng một người bệnh nhưng tùy từng thời điểm cũng cần thay đổi loại thuốc.
Khi đã xác định được loại thuốc phù hợp, bác sĩ còn cần xác định liều lượng sử dụng cho từng người bệnh. Bác sĩ Dung giải thích ở một số loại thuốc khác, liều lượng sử dụng thường căn cứ theo cân nặng, tuổi tác… của người bệnh. Trong khi đó, đối với thuốc chống thải ghép, liều lượng sử dụng căn cứ vào khả năng hấp thu thuốc.
Khả năng hấp thu thuốc ở mỗi người khác nhau tùy theo điều kiện sức khỏe, thói quen ăn uống, thuốc khác đang sử dụng… Cho nên “có trường hợp, người to con chỉ cần dùng liều lượng thấp nhưng người nhỏ con lại phải dùng liều lượng cao”. Và, liều lượng cũng được điều chỉnh tùy từng thời điểm.
Trong khi mang thai, người bệnh cần tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ về lịch tái khám, lịch và liều lượng dùng thuốc… Và không thể sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ khoa Sản và bác sĩ khoa Nội thận – Lọc máu trong chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.