Mạng nhện tĩnh mạch bao vây u trung thất
Nam thanh niên 22 tuổi có khối u trung thất ác tính, dính chặt hệ tĩnh mạch xung quanh, bệnh viện tuyến trước không phẫu thuật do nguy cơ rách tĩnh mạch rất cao.
Trước đó 4 tháng, Thắng (ngụ Q.3 TP HCM) thỉnh thoảng mệt, tức ngực. Em giảm cường độ chơi thể thao, nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng triệu chứng không cải thiện. Thăm khám tại bệnh viện tuyến trước, bác sĩ nghi ngờ em mắc bệnh lý hô hấp, chỉ định chụp CT lồng ngực phát hiện khối u trung thất lớn kích thước 10×8.5 cm.
Em được chỉ định sinh thiết xuyên thành, hình ảnh giải phẫu bệnh thể hiện bản chất khối u là u tế bào mầm trung thất ác tính (ung thư). U xâm lấn, chèn ép các cơ quan lân cận, dính chắc tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch thân tay đầu phải và tĩnh mạch vô danh. Bác sĩ không thể phẫu thuật, tiến hành hóa trị 3 đợt với hy vọng thu nhỏ khối u.
Tháng 7/2024, Thắng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám. TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch cho biết, khối u của bệnh nhân thời điểm sau hóa trị đạt 9×8 cm, chứng tỏ u đáp ứng kém với liệu pháp này. Phương pháp phẫu thuật được lựa chọn nhằm xử lý toàn bộ khối u, hoặc ít nhất cắt bỏ phần lớn tổn thương.
U tế bào mầm là khối u được tạo thành từ các tế bào có nguồn gốc từ phôi thai, có thể lành tính hoặc ác tính. Hầu hết u tế bào mầm hình thành ở tinh hoàn hoặc buồng trứng. Ít phổ biến hơn, u tế bào mầm hình thành ở các bộ phận khác bao gồm bụng, ngực, lưng dưới, xương cụt và não. Tuyến ức cũng là vị trí có nhiều tế bào nguyên thủy của phôi thai, vì vậy nơi đây được ghi nhận nhiều trường hợp phát hiện u tế bào mầm. U tế bào mầm thường gặp chủ yếu ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên từ 11-30 tuổi.
Ca phẫu thuật loại bỏ u tế bào mầm cho Thắng tiềm ẩn nhiều rủi ro do u bị bao quanh bởi mạng lưới tĩnh mạch chằng chịt. “Nếu bóc tách không khéo, nguy cơ làm rách tĩnh mạch rất cao, ngược lại nếu “sợ hãi” tránh xa các tĩnh mạch này thì không đạt được mục tiêu phẫu thuật, thậm chí không thể gỡ u khỏi “mạng nhện”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Ê kíp chuẩn bị các ống ghép tĩnh mạch nhân tạo. Nếu không thể bảo tồn hệ tĩnh mạch bị tổn thương, bác sĩ sẽ cắt bỏ và thay bằng các ống ghép.
ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho hay ca mổ diễn ra thuận lợi trong vòng hơn 2 giờ. Bác sĩ rạch đường trước ngực, cưa dọc toàn bộ xương ức, cẩn thận tách u khỏi các tĩnh mạch dính chặt mà không gây tổn thương dù là tĩnh mạch nhỏ nhất. Toàn bộ khối u được lấy ra trọn vẹn. Mạng lưới tĩnh mạch được bảo tồn, ê kíp không cần dùng tới ống ghép nhân tạo.
Thắng hết tức ngực, hồi phục nhanh chỉ 1 ngày sau mổ. Em tiếp tục được hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát.
Bác sĩ Hiếu thông tin, tế bào mầm bình thường hình thành trong phôi thai nhi đang phát triển. Những tế bào này cuối cùng di chuyển đến buồng trứng hoặc tinh hoàn của phôi, trở thành tế bào trứng hoặc tế bào tinh trùng. Trong khi đó, khối u tế bào mầm bao gồm các tế bào không phát triển thành trứng hoặc tinh trùng. Chúng phân chia bất thường, trở thành khối u trong buồng trứng hoặc tinh hoàn. Đối với khối u ngoại bào, các tế bào mầm di chuyển đến ngực, não, bụng, trung thất, lưng dưới, xương cụt… để hình thành khối u.
Khối u tế bào mầm ở trẻ em rất ít gặp, chỉ chiếm 3,5% số ca chẩn đoán ung thư. Bệnh phổ biến hơn ở thanh thiếu niên và thanh niên, chiếm 13,9% số ca ung thư được chẩn đoán ở độ tuổi từ 15-19. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên ở những đối tượng có tiền sử gia đình mắc khối u tế bào mầm hoặc có tiền sử mắc một số bệnh như tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, hội chứng Turner, hội chứng Klinefelter.
Tiên lượng cho hầu hết các khối u tế bào mầm là tốt. Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u, có thể kết hợp hóa trị, xạ trị sau mổ. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở trẻ mắc u tế bào mầm dao động từ 82-90%, phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm tuổi tác, loại u tế bào mầm, vị trí và kích thước của khối u, mức độ ung thư di căn, khối u đáp ứng với điều trị như thế nào.
U tế bào mầm thường ít biểu hiện triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác do vay mượn các triệu chứng tại cơ quan đích. Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ như khó chịu hoặc đau vùng chậu, đau bụng, bụng to, chảy máu âm đạo bất thường (u tế bào mầm buồng trứng); đau hoặc nặng vùng bìu, đau háng, đau lưng (u tế bào mầm tinh hoàn); khó thở, yếu chân, tiểu khó, táo bón, sưng và đau cấp tính vùng bụng (u tế bào mầm ngoại bào), nên đi khám sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.