Mùa mưa miền Nam nhiều người nhiễm nấm, viêm da
Mỗi ngày, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận 25-30 ca bệnh da và móng do nấm, vi khuẩn khi thời tiết mưa nắng thất thường, ngập lụt.
Vài tháng nay, móng tay, chân chị L.T.B. (32 tuổi, TP.HCM) có nhiều thay đổi bất thường như màu móng đổi từ hồng nhạt sang trắng ngà, có chỗ nổi đốm trắng; bề mặt móng sần sùi, có sọc dọc hoặc ngang. Các móng bị đẩy nhô lên, dày hơn nhưng dễ gãy, bong khỏi nền thịt; dưới móng có lớp bột. Ban đầu chỉ vài ngón bị, sau lan khắp các ngón gây ngứa ngáy, khó chịu, sinh mủ và sưng đỏ ở vùng khóe móng. Chị B. thường xuyên ra tiệm nail cắt ngắn và sơn màu che phủ móng, xử lý khóe chân mưng mủ nhưng bệnh hay tái diễn.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, người bệnh được chỉ định cạo lớp bột dưới móng để làm soi tươi bệnh phẩm. Kết quả cho thấy người bệnh nhiễm nấm móng. Bác sĩ khai thác bệnh sử, chị B. cho biết từ đầu tháng 5/2024 tới nay, mỗi lần mưa lớn, đoạn đường từ đầu hẻm vào nhà chị bị ngập sâu đến đầu gối. Thỉnh thoảng tầng trệt nhà bị tràn nước cống sau mưa, chị phải lội nước ngập về nhà và dọn dẹp. Bác sĩ Bích nghi ngờ chị B. nhiễm nấm do tiếp xúc với nguồn nước bẩn nhiều giờ trong ngày.
Mắc viêm da cơ địa mạn tính nhiều năm nay, gần đây, anh G.K.S. (40 tuổi, TP.HCM) tái phát viêm da cơ địa và phát hiện thêm nhiễm nấm ở da đầu, lòng bàn tay, chân. Di chuyển trên đường phố mùa mưa, anh cũng hay bị ướt và gặp nước ngập nhưng quên rửa chân tay ngay và chăm sóc da.
Dù cơ địa đổ nhiều mồ hôi nhưng các vùng da bệnh liên tục khô nẻ, bong tróc, nhiều mảng đỏ tròn hơi sần. Đặc biệt da ở các ngón tay mỏng đi, căng đỏ, rát và dễ rỉ máu dù va chạm nhẹ với các vật sắc cạnh như giấy, góc bàn. Anh S. gặp khó khăn trong việc cầm nắm do cầm gì cũng đau.
Nhiều trẻ em cũng gặp vấn đề về da mùa mưa, như bé B.T.P.A. (6 tuổi, Đồng Nai) đến khám trong tình trạng viêm da mủ (viêm da nhiễm khuẩn) vùng mũi với hàng chục mụn nước có mủ. Ba bé cho biết, trước đó trên sống mũi bé chỉ nổi một vài mụn nước nhỏ. Bé ngứa gãi nhiều gây trầy xước thêm vùng mũi, cụm mụn loang ngày càng rộng, mụn nước từ màu trong trở nên đục, có mủ. Một số trẻ mắc các bệnh da khác như chàm (viêm da cơ địa), viêm da tiết bã cũng dễ tái phát hoặc bệnh trở nặng hơn khi thời tiết mưa nắng thất thường.
Theo bác sĩ Bích, Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, khu vực miền Nam nắng nóng quanh năm, từ tháng 5 đến tháng 11 vào mùa mưa khiến độ ẩm tăng cao càng thuận lợi cho sự phát triển của nấm, vi khuẩn trong môi trường.
Thời tiết nắng nóng gay gắt rồi đổ mưa lớn bất chợt, nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh trong thời gian ngắn là kiểu khí hậu tương đối khắc nghiệt, có hại cho da, khiến da nhạy cảm hơn. Mưa lớn kèm thêm ngập lụt, nguồn chất thải, rác, bụi bẩn… bị hòa lẫn, ứ đọng làm tăng nguy cơ làn da phải tiếp xúc tác nhân gây bệnh.
Khi trời nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi điều hòa thân nhiệt nhưng bị lưu lại lâu trên da, khiến da ẩm ướt kéo dài, vệ sinh kém cộng với môi trường nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, viêm da.
“Công nhân vệ sinh môi trường, xe ôm, thợ hồ, người bán hàng rong, nông dân, người già, trẻ em, người thừa cân, béo phì, người có sẵn các bệnh da mạn tính… dễ mắc bệnh da thời điểm này nhất”, bác sĩ Bích nói.
Trẻ nhỏ đổ mồ hôi nhiều khiến các vùng như bẹn, mông, nách, các nếp gấp ở cổ, khoeo tay chân kém thông thoáng, ẩm ướt càng dễ nhiễm nấm, rôm sảy, mụn, chốc, viêm da. Đặc biệt, các bệnh này gây ngứa nhiều, trẻ khó kiểm soát được cơn ngứa sẽ gãi làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Như trường hợp viêm da mủ của bé P.A. điều kiện bình thường, những vi khuẩn như liên cầu (streptococcus), tụ cầu (staphylococcus) không gây bệnh trên da. Tuy nhiên khi cơ thể trẻ suy yếu, tình trạng vệ sinh da kém, gặp chấn thương, trầy xước trên da… những vi khuẩn này phát triển và gây tình trạng viêm da mủ.
Do sức đề kháng của trẻ em non yếu (nhất là trẻ có tiền căn viêm da cơ địa) nên khi bị viêm da sẽ có xu hướng phát triển nghiêm trọng hơn tình trạng bệnh ở người lớn. Nếu không điều trị kịp thời, da trẻ có thể sưng tấy đỏ, tạo mủ, chảy dịch, bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, virus khác), hoại tử da, dễ tạo sẹo, tăng sắc tố. Nặng hơn có thể ảnh hưởng toàn thân, gây tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc máu, viêm cầu thận…
Các trường hợp bị nấm da, viêm da tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng triệu chứng ngứa nhiều, da loang lổ, không điều trị đúng thương tổn sẽ lan tỏa, có thể gây chàm hóa (viêm da cơ địa mạn tính) ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống của người bệnh.
Đối phó các bệnh da mùa mưa
Tùy từng tình trạng của mỗi người bệnh, bác sĩ da liễu sẽ chỉ định loại thuốc tại chỗ hoặc toàn thân phù hợp với loại nấm, vi khuẩn người bệnh mắc phải. Chị B. và anh S. được kê thuốc uống và bôi kháng nấm toàn thân cùng kháng viêm, chống ngứa. Bé P.A. cần sát khuẩn sạch vùng da mủ, uống thuốc kháng sinh, kháng viêm để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để điều chỉnh thuốc phù hợp theo từng giai đoạn bệnh.
Khi có các triệu chứng bất thường trên da (nhất là sau khi dính mưa, lội nước ngập), như nổi mảng đỏ, mụn trên da, da khô ngứa; hoặc móng tay chân dày sừng, đổi màu; bong da và ngứa kẽ ngón, lòng bàn tay, bàn chân… nên tới cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Người bệnh không nên tự đoán bệnh, tự mua thuốc hoặc dùng đơn thuốc của người khác, đắp lá cây hay lể mụn khiến bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng do dùng sai thuốc.
Các bệnh nấm da, viêm da dễ tái nhiễm do điều kiện khí hậu nhiệt đới. Do đó, bác sĩ Bích khuyến cáo người bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn nước, đất bẩn, các hóa chất, giữ da và móng luôn khô thoáng. Người dân ở vùng thường xuyên ngập lụt nên đi ủng cao su, đeo găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn. Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải vệ sinh cơ thể ngay với sữa tắm diệt khuẩn, thấm khô kẽ chân, tay, phơi khô giày dép, áo mưa trước khi tái sử dụng.
Người bị nhiễm nấm da, viêm da nên giặt riêng quần áo, chăn mền; thường xuyên vệ sinh khẩu trang, nón bảo hiểm… và phơi đồ dưới ánh nắng mặt trời để tia cực tím trong ánh nắng diệt nấm và bào tử nấm. Các dụng cụ cắt móng tay của người bệnh nấm cũng cần dùng riêng và vệ sinh bằng xà phòng.
Đôi khi nấm da ở người xuất hiện do bị lây truyền từ vật nuôi như chó, mèo thông qua tiếp xúc trực tiếp. Điều trị nấm cho vật nuôi giúp phòng tránh nhiễm bệnh. Với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, ngoài luôn giữ cho da trẻ khô thoáng, phụ huynh có thể dùng thêm kem, phấn rôm chứa kẽm để chống hăm, nấm, bác sĩ Bích cho biết thêm.
*Nhân vật trong bài đã đổi tên
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.