Nam thanh niên bị ấu trùng di chuyển khắp người
Từ những nốt ban đầu nhìn như muỗi đốt, dưới da anh T.P.V. nổi những vệt ngoằn ngoèo màu đỏ, di chuyển dưới da.
Giữa tháng 7/2024, anh T.P.V. (22 tuổi, TP.HCM) cùng nhóm bạn về quê miền Trung tắm suối, trượt thác nước tự nhiên trên núi. Khi di chuyển giữa các khu vực, anh V. bị muỗi và loại côn trùng có cánh giống ruồi nhưng có vằn trắng đen đốt vào tay, chân, lưng. Vết thương nhỏ sưng như nốt muỗi đốt, màu đỏ, hơi ngứa.
Sau hai tuần, các sang thương nhiều hơn, khoảng 30-40 nốt lớn nhỏ, gồ lên trên bề mặt da. Đặc biệt, một số nốt xuất hiện dị vật như sợi chỉ rối nằm trong da, “bò” ngày càng xa vết thương ban đầu từ 0,5 – 2cm chỉ trong một ngày. “Sợi chỉ” dài nhất nằm ở mặt trong cẳng tay phải, dài khoảng 5cm và cách điểm gốc khoảng 2cm. Vùng khủy hai tay, thắt lưng và bắp chân có nhiều sang thương hình dạng tương tự nhưng nhỏ hơn. Những người bạn đi du lịch cùng anh V. chưa thấy tình trạng tương tự. Anh V. tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám.
Tiếp nhận người bệnh, BS CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chẩn đoán anh V. nhiễm ấu trùng di chuyển bởi những tổn thương đặc trưng như các đường đỏ hình vằn vèo hoặc hình lượn sóng, dài ra trong da theo từng ngày. Trên người anh V. có khoảng 10 nốt có ấu trùng. Bởi bệnh sử và các triệu chứng của anh V. đã khá rõ ràng nên việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng mà không nhất thiết cần phải làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác như xét nghiệm máu, siêu âm, sinh thiết.
Ấu trùng di chuyển (hay viêm da do ấu trùng) là bệnh do nhiễm ấu trùng giun móc từ chó, mèo hoặc trâu, bò, gia súc (Ancylostoma braziliense, Ancylostoma caninum, Uncinaria stenocephala, Bunostomum phlebotomum). Bệnh phân bố trên toàn thế giới nhưng hay gặp hơn ở vùng có thời tiết ấm, ẩm như các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới như Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ… Ấu trùng có thể được tìm thấy ở khắp nơi như đất, cát, trong nước, sàn nhà, thảm trải sàn… và xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc thông qua các vết thương hở. Các vị trí nhiễm ấu trùng giun móc thường gặp nhất là tay, chân, bàn chân, mông, lưng. Những người có nghề nghiệp hoặc sở thích khiến họ tiếp xúc với đất, cát ấm, ẩm (người đi dạo bãi biển chân trần và nằm tắm nắng, trẻ em, nông dân, người làm vườn, người diệt trừ sâu bệnh, thợ sửa ống nước, thợ săn, thợ điện, thợ mộc…) có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Anh V. được bác sĩ Duy kê thuốc uống diệt ký sinh trùng kèm thuốc giảm ngứa. Tái khám sau 1 tuần, người bệnh đáp ứng điều trị tốt. Ấu trùng không còn hoạt động, không có thêm sang thương mới, những vết đỏ chuyển sang tăng sắc tố (thâm) sau viêm, da hết gồ ghề, không còn ngứa. Dự kiến các vết thâm sẽ tự mờ dần và hết hẳn sau khoảng 1-2 tháng.
Từ vết côn trùng đốt đến ấu trùng di chuyển
Theo bác sĩ Duy, chu kỳ phát triển của giun móc chó, mèo gồm 4 giai đoạn. Giun móc trưởng thành sinh sản trong ruột non của chó, mèo, sau khi thụ tinh, giun cái đẻ trứng, trứng theo phân của chó, mèo ra ngoài môi trường. Trong điều kiện thuận lợi, khoảng 1-2 ngày sau, trứng nở và phát triển thành ấu trùng dạng hình que trong phân hoặc đất. Sau 5 ngày, qua 2 lần lột xác, chúng trở thành ấu trùng dạng hình sợi. Đây là giai đoạn ấu trùng có khả năng xâm nhập và lây nhiễm vào cơ thể. Ấu trùng dạng hình sợi có thể tồn tại từ 3-4 tuần trong điều kiện môi trường thuận lợi.
Con người bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất, nước hoặc đồ dùng chứa ấu trùng mà vùng da này có “ngõ vào” như là nang lông, khóe chân, vết thương hở từ vết côn trùng đốt, cào gãi hoặc vết trầy xước da, thậm chí là da nguyên vẹn.
Dấu hiệu khởi phát của bệnh là các sẩn đỏ có ngứa ở vị trí ấu trùng xâm nhập. Sau 2-6 ngày hoặc vài tuần sau, tổn thương có thể gây ngứa dữ dội, xuất hiện ban màu đỏ nâu, vằn vèo, lượn sóng, nổi gờ nhẹ tương ứng với đường di chuyển của ấu trùng. Một số trường hợp có thể nổi mụn mủ, mụn nước, bọng nước tại nơi ấu trùng xâm nhập hoặc trên đường di chuyển của ấu trùng.
Ấu trùng giun móc có thể di chuyển với tốc độ vài mm tới vài cm mỗi ngày. Khi di chuyển, chúng gây ra các phản ứng viêm, nhiễm trùng dọc theo đường đi trong vài tuần nếu không được điều trị.
“Mỗi cơ thể sẽ có những phản ứng khác nhau, tùy vào số lượng ấu trùng, vị trí bị nhiễm mà mức độ khó chịu không giống nhau ở từng người”, bác sĩ Duy nói.
Ấu trùng giun móc không thể trưởng thành được trong cơ thể người. Con người là vật chủ vô tình và là ngõ cụt nên ấu trùng giun móc sẽ chết, bệnh có thể tự giới hạn trong 4-8 tuần. Việc điều trị sẽ giúp rút ngắn quá trình diễn tiến của bệnh. Sau khi điều trị các sang thương trên da sẽ giảm viêm dần, để lại nhiều vết thâm, các sang thương tăng sắc tố sau viêm này có thể tồn tại dai dẳng vài tuần đến vài tháng sau đó.
Triệu chứng ban đầu của nhiễm ấu trùng giun móc dễ bị nhầm lẫn với mày đay, dị ứng do côn trùng đốt, ghẻ, nấm… Do đó, bác sĩ Duy khuyến cáo khi có triệu chứng bất thường trên da nên tới khám sớm tại các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ da. Để phòng bệnh, nên định kỳ tẩy giun cho chó mèo, không để chúng đi vệ sinh ở nơi công cộng hay vườn. Khi tiếp xúc với nơi nguy cơ như đất, nước, bãi cát nên đi giày dép, mặc quần áo dài tay, tránh có vết thương hở và tắm rửa với xà bông sau đó.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.