Người đàn ông ‘đi như robot’ vì cột sống cứng đơ
Anh Khánh (28 tuổi) không thể xoay người, đi lại cứng đơ, bác sĩ mổ không thể gây tê cột sống như thông thường mà phải gây mê nội soi phế quản.
Anh Khánh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sau 15 năm đau nhức cột sống, khớp háng. Tình trạng này diễn ra từ năm 2010. Tuy nhiên, mãi 5 năm sau, anh Khánh mới được chẩn đoán mắc viêm cột sống dính khớp, thay vì viêm đa khớp như trong các lần chẩn đoán trước đó. Theo thời gian, tình trạng đau nhức, dính và cứng khớp ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở cột sống cổ – lưng và các khớp háng, gối.
Ngày 13/8, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết anh Khánh đi lại cứng đơ như robot, luôn phải chống gậy, không thể cong lưng, xoay người, nghiêng hoặc ngửa cổ. Kết quả chụp máy X quang treo trần kỹ thuật số hiện đại phát hiện anh bị viêm dính khớp cột sống và khớp háng nghiêm trọng, hoại tử chỏm xương đùi. Người bệnh cần phải phẫu thuật thay khớp háng và điều trị cột sống hư hỏng nặng để tránh nguy cơ cao tàn phế.
Bác sĩ Khoa nhận định ca mổ của anh Khánh đối mặt rất nhiều thách thức. Đầu tiên là phải tìm ra cách gây tê cho người bệnh. Thông thường, khi phẫu thuật thay khớp háng, người bệnh sẽ được gây tê cột sống trong tư thế nằm nghiêng và uốn cong lưng. Tuy nhiên, vì các đốt sống đã dính lại với nhau nên người bệnh không thể nằm ở tư thế này, giữa các đốt sống cũng không còn chỗ nào trống để chọc kim tiêm.
Các bác sĩ thay đổi phương án gây mê nội khí quản. Nhưng phương pháp này cũng không thực hiện được vì đốt sống cổ dính cứng, người bệnh không thể ngửa đầu ra sau, ống nội khí quản bị trượt vào thực quản. Ekip phẫu thuật cân nhắc mở khí quản nhưng tồn tại nhiều rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu sau mổ…
Sau hai lần gây tê cột sống và gây mê nội khí quản không thành công, ca phẫu thuật tạm ngừng. Các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa gồm chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức, nội hô hấp, tai mũi họng… Phương án cuối cùng được đưa ra là gây mê bằng cách nội soi phế quản qua đường mũi. Với kỹ thuật này, người bệnh được đặt nằm ngửa nhưng không cần ngửa cổ. Bác sĩ sử dụng ống nội soi mềm, có gắn nguồn sáng và camera ở đầu ống, đi đúng vào phế quản và gây mê.
Bác sĩ Khoa cho biết, ê kíp phải cân nhắc lựa chọn kỹ thuật mổ phù hợp cho ca bệnh này. Lý do cột sống là bộ phận có khả năng uốn cong ra trước hoặc ra sau khi cơ thể thay đổi tư thế, lúc đó khớp cùng chậu sẽ chuyển động theo để cân bằng lực với cột sống. Ví dụ, khi một người ngồi xuống, cột sống sẽ cong nhẹ về trước và khớp cùng chậu sẽ đẩy ra sau. Tuy nhiên, ở trường hợp anh Khánh các đốt sống dính cứng lại, cột sống không thể thay đổi, khớp cùng chậu không chuyển động, người bệnh có nguy cơ trật khớp háng sau mổ rất cao.
Để khắc phục nguy cơ trên, ca mổ cần phải bảo tồn cơ tối đa. Các bác sĩ lựa chọn kỹ thuật mổ không cắt cơ ABMS (Anterior Based Muscle Sparing), vén cơ mông nhỡ, cơ căng mạc đùi và tiến hành thay khớp, bảo tồn nguyên vẹn các cơ xung quanh khớp.
Khớp háng bao gồm hai thành phần chính là ổ cối và chỏm xương đùi. Ổ cối có hình dạng như cái chén, nằm bên trong xương chậu và chịu trách nhiệm ôm lấy chỏm xương đùi. Hướng đặt ổ cối của khớp nhân tạo thay cho anh Khánh cũng được bác sĩ tính toán và thay đổi khác với bình thường. Góc độ của cột sống và khớp háng có mối tương quan với nhau. Thông thường, góc đặt ổ cối vào khoảng 30 – 40 độ, độ ngả trước ổ cối là 15 – 20 độ. Tuy nhiên, ở trường hợp của anh Khánh, nhiều đốt sống và khớp dính lại với nhau, do đó, bác sĩ đã sử dụng phần mềm TraumaCad chuyên dụng trong thay khớp để tính toán ra hướng đặt ổ cối phù hợp dành riêng cho người bệnh. Nhờ đó góp phần làm giảm nguy cơ cứng và trật khớp sau mổ.
Nhờ sự chuẩn bị đầy đủ, ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, chỉ trong chưa đến 1 giờ. Ngày thứ ba sau phẫu thuật, anh Khánh giảm đau đáng kể, chỉ còn căng cơ và đau nhẹ tại vị trí vết mổ. Lần đầu tiên sau gần 15 năm mắc bệnh, anh Khánh có thể tự đi lại mà không cần dụng cụ hỗ trợ, không lo té ngã. Tình trạng sức khỏe phục hồi tốt, người bệnh được xuất viện vào ngày hôm sau.
Với bệnh viêm cột sống dính khớp, đây là bệnh tự miễn không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Do đó, sau phẫu thuật, anh Khánh cần uống thuốc và tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ. Mục tiêu giúp kiểm soát bệnh, cải thiện khả năng vận động.
Bác sĩ Khoa cho biết thêm, triệu chứng sớm nhất và đặc trưng của viêm cột sống dính khớp là đau vùng lưng, thắt lưng, có thể kèm theo cứng cột sống vào buổi sáng. Cơn đau thường kéo dài ít nhất 3 tháng với cường độ tăng dần theo thời gian. Cơn đau không thuyên giảm khi nghỉ ngơi nhưng sẽ cải thiện khi người bệnh vận động nhẹ.
Nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tốt, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như dính khớp và đốt sống, nứt gãy xương, tổn thương mắt, tim… Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của hệ cơ xương khớp, người bệnh nên đi khám sớm để kịp thời điều trị, phòng tránh các biến chứng nặng nề.
* Tên người bệnh đã được thay đổi.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.