Phòng ngừa & điều trị hiệu quả biến chứng nguy hiểm ở trẻ sinh non, cực non
Sinh non có thể xảy ra ở bất kỳ thai kỳ nào, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé nếu không có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Trẻ sinh non, đặc biệt sinh cực non có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe như suy hô hấp, hạ thân nhiệt, rối loạn chuyển hóa, nhiễm trùng máu, vàng da… Không chỉ vậy, một số trẻ còn gặp phải các vấn đề sức khỏe lâu dài như thị giác, thính giác hay chậm phát triển.
Vừa qua, lúc 10h ngày 11/09/2024, các chuyên gia, bác sĩ của Hệ thống BVĐK Tâm Anh đã giải đáp những thắc mắc cũng như giúp Ba Mẹ xây dựng kế hoạch chăm sóc thai kỳ an toàn, phòng ngừa sinh non cũng như hiểu rõ hơn về các vấn đề sức khỏe mà trẻ sinh non có thể phải đối mặt qua chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Phòng ngừa & điều trị hiệu quả biến chứng nguy hiểm ở trẻ sinh non, cực non”. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Sinh non, sinh cực non gây nên rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Đầu tiên là hạ thân nhiệt do lớp mỡ dưới da của trẻ quá mỏng. Tiếp theo là vấn đề hô hấp do các cơ quan trong đường thở của trẻ sinh non chưa hoàn thiện, thiếu chất làm giãn nở phế nang phổi khiến phổi trẻ dễ bị xẹp, thở mệt, thở yếu, nhiều trẻ tím, cần được hỗ trợ hô hấp ngay sau sinh. Tiếp đó là vấn đề tiêu hóa do trẻ chưa kiểm soát được phản xạ bú nuốt, hệ thống đường ruột non nớt, không dung nạp được lượng sữa, ngay cả sữa mẹ. Trong những ngày đầu, trẻ cần sự hỗ trợ từ dịch truyền để cơ thể có đủ dưỡng chất và năng lượng. Một trong những biến chứng nguy hiểm thường gặp nhất ở trẻ sinh cực non là nhiễm khuẩn. Điều này xảy ra do sức đề kháng của trẻ còn non yếu, lượng kháng thể trong cơ thể chưa đủ, cùng với lớp da mỏng manh dễ bị tổn thương, khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài”.
Trung tâm Sơ sinh thuộc Hệ thống BVĐK Tâm Anh được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc, trang thiết bị giúp xử lý kịp thời các trường hợp sinh non, cực non, mang lại cơ hội sống cho trẻ:
Vấn đề hạ thân nhiệt: Bệnh viện có đầy đủ hệ thống lồng ấp hiện đại, có thể điều chỉnh được độ ẩm nhằm cung cấp độ ẩm đúng theo từng tuổi thai của trẻ. Để giữ thân nhiệt trong những ngày đầu sau sinh, trẻ sẽ cần được cung cấp độ ẩm khoảng 80%. Bên cạnh đó, khi trẻ đã qua giai đoạn nguy kịch bác sĩ sẽ tăng cường biện pháp Kangaroo, hướng dẫn Ba Mẹ cùng đồng hành, chăm sóc trẻ.
Vấn đề hô hấp: Phổi của trẻ sinh non, cực non không tự sản xuất đủ chất Surfactant. Trẻ sẽ được điều trị bằng cách cung cấp Surfactant ngoại sinh từ bên ngoài vào bằng phương pháp không xâm lấn để hỗ trợ phổi cho trẻ, giảm nguy cơ thở máy kéo dài dẫn đến viêm phổi, mắc bệnh phổi mạn.
- Trẻ sinh non dưới 37 tuần có triệu chứng thở mệt, thở rên: Thở không xâm lấn (hỗ trợ thông khí không lâm lấn) đặc biệt hiệu quả cho trẻ sinh non bị suy hô hấp. Ở phương pháp này, trẻ được cung cấp oxy qua 1 cannula ngắn đặt ở mũi mà không cần đưa sâu vào đường thở.
- Trẻ sinh non 30 – 31 tuần thở mệt: Hỗ trợ thở bằng áp lực dương liên tục qua mũi (thở NCPAP), cung cấp 1 lượng áp lực dương cố định giúp phổi nở ra.
- Trẻ sinh non dưới 28 tuần, có thể có những cơn ngưng thở dài hơn (10 – 15s): Điều trị bằng phương pháp thở không xâm lấn 2 áp lực dương liên tục.
Vấn đề dinh dưỡng: Tùy vào từng tình trạng và mức độ sinh non, trẻ có thể được đặt catheter trung ương để cung cấp dinh dưỡng lâu dài thay vì phải tiêm thường xuyên. Các cây catheter có thể lưu giữ 21 ngày để truyền chất dinh dưỡng giúp bé phát triển.
Vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn: Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phần lớn trẻ sinh non thường ở khoảng 25 – 26 tuần tuổi, dẫn đến thời gian nằm viện kéo dài.. Vì vậy, bệnh viện áp dụng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, chặt chẽ, nghiêm ngặt. Điều này nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo,, giúp bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ nhiễm trùng trong môi trường bệnh viện, từ đó tăng cường khả năng hồi phục và phát triển khỏe mạnh cho trẻ sinh non.
ThS.BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ: “Trẻ sinh non, đặc biệt những trẻ sinh trước 34 tuần, thường có hệ hô hấp chưa ổn định, có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng hô hấp. Một trong những biến chứng đáng lo ngại là những cơn ngưng thở kéo dài, gây tím tái. Tùy tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ có những phương pháp hỗ trợ hô hấp khác nhau như thở CPAP, dùng thuốc, hay dùng cafein (giúp giảm những cơn ngừng thở).
Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như ấp kangaroo cũng rất hữu ích. Khi được ấp sát, chính hơi thở, nhịp tim của mẹ sẽ giúp hỗ trợ trẻ kích thích hệ hô hấp, giảm được những cơn ngưng thở. Khi cơn ngừng thở tăng lên nhiều hơn, bác sĩ sẽ phải tìm nguyên nhân, có thể do nhiễm khuẩn, thân nhiệt không ổn định hoặc do tiêu hóa có vấn đề. Vậy nên, khi phát hiện trẻ có bất thường dù chỉ là một dấu hiệu rất nhỏ, mẹ cần thông báo cho bác sĩ để trẻ được điều trị tích cực hơn. Tình trạng ngưng thở ở trẻ sinh non có xu hướng giảm ở trẻ sinh non sau 34 tuần.”
Tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh, tất cả trẻ sinh non đều được theo dõi monitor trung tâm, theo dõi liên tục độ bão hòa oxy trong máu & nhịp tim. Khi SpO2 giảm, máy monitor sẽ phát ra báo động, đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng sẽ nhanh chóng vào khám, xác định xem việc giảm oxy đó có liên quan đến nhịp thở của trẻ không. Nếu trẻ ngừng thở, các biện pháp hỗ trợ cần thiết sẽ được thực hiện ngay lập tức. Ví dụ, trẻ đang thở máy sẽ nâng nồng độ oxy lên; mẹ đang ấp kangaroo bé thì bác sĩ có thể sẽ yêu cầu mẹ thở mạnh hơn để kích thích cơn thở lại của trẻ. Khi trẻ thở lại được thì độ bão hòa oxy sẽ dần ổn định lại. Trẻ xuất hiện cơn ngưng thở sẽ phải thường xuyên những xét nghiệm chuyên sâu hơn.
ThS.BS Nguyễn Thu Vân chia sẻ về một trường hợp sinh non đặc biệt: “Sinh non, cân nặng lúc mới sinh thấp, chỉ khoảng 500gr. Con gặp phải nhiều vấn đề phức tạp, nằm viện điều trị kéo dài 3 tháng. Đây có lẽ là chiến binh dũng cảm nhất tôi từng gặp. Khi con được xuất viện, chúng tôi vẫn luôn theo dõi sự phát triển của con qua những lần khám sức khỏe định kỳ. Vừa qua, tháng 11/2023 tại chương trình “Ngày hội sinh non” chúng tôi đã được gặp lại em bé ấy, cảm giác vui mừng khó tả, như gặp lại một đứa con trong gia đình.”
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết: “Sinh non có thể xác định được nguyên nhân hoặc không rõ nguyên nhân. Các yếu tố nguy cơ có thể xuất phát từ người mẹ, từ thai nhi, cách chăm sóc thai kỳ hay từ môi trường… Trong đó, tiền sản giật là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh non thường gặp. Dấu hiệu của tiền sản giật khá âm thầm, khó phát hiện nếu mẹ không khám thai định kỳ. Huyết áp tăng cao là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của tiền sản giật. Do vậy, mỗi lần khám thai, mẹ sẽ được đo huyết áp. Nếu kết quả giữa hai lần đo (cách nhau 4 tiếng) rơi vào khoảng 140/90, mẹ có thể bị tiền sản giật.”
Tiền sản giật có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và con nếu không được phát hiện, điều trị sớm và xử lý kịp thời. Một số biến chứng có thể xảy ra như:
- Ở thai nhi: chậm tăng trưởng trong tử cung, thai chết lưu, nguy cơ sinh non.
- Ở người mẹ: suy gan, suy thận, hội chứng HELLP (tổn thương tế bào gan, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu), nhau bong non và những biến chứng sau sinh về gan, thận kéo dài suốt đời.
Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, 100% ca sinh nở đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ Sản và Sơ sinh ngay tại phòng sinh nhằm có thể tiếp cận, chăm sóc cả mẹ sớm nhất có thể. Đối với trường hợp suy thai, sinh non, mẹ có vấn đề trong thai kỳ… bác sĩ Sản đều báo lại tình hình cho các bác sĩ Sơ sinh. Từ đó, các bác Sơ sinh có thể chuẩn bị hệ thống lồng ấp, máy thở, monitor… hỗ trợ ngay lúc bé sinh ra, tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị, mang đến cơ hội phát triển tốt nhất về sau cho trẻ.
Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia, bác sĩ của Hệ thống BVĐK Tâm Anh trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:
1. Thai chậm tăng trưởng
Em mang thai từ 22 tuần có dấu hiệu chậm tăng trưởng. Nay 29 tuần, bác sĩ nói nếu thai không tăng cân ở 2 tuần tiếp theo, có khả năng phải mổ lấy thai, nuôi ngoài lồng ấp, vì giữ tiếp bé suy dinh dưỡng có thể lưu trong tử cung. Gia đình rất lo lắng, nếu đưa bé ra khi 31 tuần, cơ hội sống của bé ra sao? (Khán giả Mai Ngô gửi câu hỏi đến fanpage BVĐK Tâm Anh).
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Với sự tiến bộ của lĩnh vực hồi sức Sơ sinh, với những trường hợp sinh non 31 tuần tỷ lệ cứu sống cực cao, lên đến 95%. Tuy nhiên, trẻ phải được sinh ở các bệnh viện có khoa chuyên sâu về sơ sinh, có đủ trang thiết bị và đội ngũ chuyên gia có chuyên môn chăm sóc trẻ. Nếu không có vấn đề về xuất huyết não, hay sự phát triển về thần kinh, tiên lượng của trẻ sinh sinh non 31 tuần khá tốt.
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung là tình trạng trẻ nhẹ cân so với tuổi thai. Ước tính tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, khoảng 100 trẻ sinh ra sẽ có khoảng 10 trẻ bị chậm tăng trưởng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể xuất phát từ mẹ, từ bánh nhau… hay những bệnh lý ở em bé, bất thường bẩm sinh. Do đó, Sự phối hợp Sản – Sơ sinh ở những trường hợp này cực kỳ quan trọng. Trẻ được sinh ra có thể gặp vấn đề về thở yếu, bú yếu, đường ruột cũng chưa tiêu hóa được sữa tốt, dễ bị hạ đường huyết nên sẽ được chăm sóc tại đơn vị hồi sức Sơ sinh. Trước khi sinh, bác sĩ Sản – Sơ sinh sẽ cùng bàn bạc, thảo luận để tư vấn cho gia đình em bé sau khi sinh sẽ được chuyển về đơn vị hồi sức Sơ sinh để điều trị tích cực hơn.
2. Có tiền sử sinh non do tiền sản giật
Em 32 tuổi, sinh bé đầu cách đây 3 năm thì bị tiền sản giật, cũng do chủ quan không đi khám thai đều, huyết áp tăng 220/110, chân phù, mắt mờ. Bác sĩ phải mổ lấy bé 24 tuần, mất sau khi chào đời. Hiện giờ em được 12 tuần, được uống thuốc dự phòng nguy cơ nhưng vẫn rất sợ tiền sản giật dẫn tới sinh non. Xin hỏi bác sĩ em phải làm gì cho thai kỳ cán đích thuận lợi. (Khán giả Minh Nguyệt gửi câu hỏi đến website BVĐK Tâm Anh).
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa: Bạn đã mắc tiền sản giật lần 1, đây là một trong những nguy cơ gia tăng tiền sản giật ở lần sau. Ngoài ra, có thêm những yếu tố nguy cơ khác như: gia đình có người bị huyết áp cao, bản thân huyết áp cao, béo phì, mắc bệnh thận, lupus hoặc đa thai, sinh con muộn, khoảng cách giữa hai lần sinh quá ngắn.
Bạn đã được bác sĩ cho uống thuốc dự phòng từ tuần 12 giúp giảm nguy cơ tiền sản giật, tăng cơ hội cán đích thành công. Cho nên, hãy tuân thủ lịch khám của bác sĩ để kịp thời phát hiện ra những nguy cơ, điều trị phù hợp và chấm dứt thai kỳ đúng lúc bằng phương pháp phù hợp. Bác sĩ Sản và bác sĩ Sơ sinh sẽ thảo luận và trao đổi với bạn và gia đình để cho cả mẹ và bé đều được chăm sóc tốt nhất và mang lại kết quả tích cực cho cả hai.
3. Suy hô hấp ở trẻ sinh non
Bé nhà em sinh non 26 tuần, phổi chưa hoàn thiện bị suy hô hấp đã thở máy kéo dài, hiện cai được cai máy thở, nhưng thời tiết Hà Nội thay đổi bé mắc thêm viêm phổi nặng, tiếp tục phải thở máy trở lại tại phòng NICU. Bác sĩ nói tình trạng bé nặng, em rối bời quá, không biết phải làm sao con có thể cai được máy thở. Mong bác sĩ tư vấn. (Khán giả Bùi Minh Anh gửi câu hỏi đến báo VNExpress).
ThS. BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh: Trẻ được sinh ra khi mới 26 tuần tuổi thai là sinh cực non. Phổi của trẻ chưa trưởng thành nên phải thở máy kéo dài, kết hợp với những can thiệp bên ngoài, thậm chí là thở máy xâm lấn. Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn, viêm phổi (trong sinh non gọi là viêm phổi mạn) thì quá trình thở máy sẽ khó khăn hơn. Em bé thở máy trong một thời gian dài như vậy đã có nguy cơ viêm phổi mạn. Mặc dù đã cai máy thở nhưng sự thay đổi cấu trúc phổi sẽ khiến phổi trẻ dễ bị tổn thương hơn. Đồng thời, miễn dịch của trẻ có thể kém, khả năng bị lây nhiễm bởi những tác nhân bên ngoài cao hơn.
Bác sĩ sẽ cố gắng tìm nguyên nhân bệnh của trẻ, chẳng hạn như trẻ bị viêm phổi bởi những tác nhân bên ngoài. Và xem xét tình trạng trẻ, tình trạng tổn thương phổi tăng có đi kèm vấn đề phổi mạn nặng không và những nguy cơ về điều trị bệnh phổi mạn của trẻ. Trong tình huống này, ba mẹ nên tuân thủ điều trị của bác sĩ tại bệnh viện, hỗ trợ thở cho trẻ, đảm bảo dinh dưỡng, ấp kangaroo… để trẻ có thể khỏe mạnh hơn.
4. Tiêm trưởng thành phổi
Thưa bác sĩ, có phải mẹ có nguy cơ sinh non thì nên tiêm trưởng thành phổi cho thai nhi không? Mũi tiêm này có ảnh hưởng gì đến bé? Trường hợp em mang thai IVF, tiền sử 3 lần sảy thai sớm, hiện đang bầu 28 tuần, đã khâu eo cổ tử cung lúc thai 24 tuần, nhưng hiện thấy bụng gò nhiều. Trường hợp em có được chỉ định tiêm trưởng thành phổi không? (Khán giả Nguyen Vivian gửi câu hỏi đến fanpage BVTA).
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa: Thuốc tiêm trưởng thành phổi được tiêm vào người mẹ, nhưng có tác dụng lên phổi em bé, giúp phổi bé trưởng thành hơn, giảm nguy cơ tử vong chu sinh, giảm tỷ lệ suy hô hấp cấp sau sinh, giảm xuất huyết não. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêm trưởng thành phổi cho thai nhi có thể làm giảm một số cử động thai trong tử cung. Người mẹ có thể gặp phải một số tác dụng phụ như tăng đường huyết.
Khi cân nhắc về lợi ích cho trẻ sau sinh non, phương pháp tiêm trưởng thành phổi vẫn được khuyến cáo trong một số trường hợp. Khi có quyết định tiêm, mẹ nên tiêm tại bệnh viện uy tín, có sự theo dõi của bác sĩ chuyên nội khoa nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Nếu người mẹ bị tăng đường huyết sau tiêm trưởng thành phổi hoặc xuất hiện cơn co tử cung, mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức để được bác sĩ khám và đánh giá.
5. Rối loạn chuyển hóa
Em từng có 2 bé, chào đời đủ tháng nhưng bé mất sau 3 ngày vì rối loạn chuyển hóa sau sinh. Nay em mang thai 32 tuần, gò nhiều, bác sĩ có thông báo, nếu sinh sớm sau sinh sẽ chuyển bé đến một bệnh viện nhi để theo dõi, chăm sóc. Được biết BVĐK Tâm Anh có phối hợp chặt chẽ khoa Sản – Sơ sinh, trường hợp này có thể tiếp nhận điều trị cho mẹ con em không? (Khán giả Phạm Thanh gửi câu hỏi đến Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC).
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Rối loạn chuyển hóa là một bệnh lý nguy hiểm, hiếm gặp, có thể tử vong ngay sau sinh. Tại BVĐK Tâm Anh, mẹ có thể tầm soát những bệnh lý này thông qua các dịch vụ như xét nghiệm lấy máu gót chân cho trẻ trong 48 giờ sau sinh để tầm soát những bất thường bẩm sinh, chuyển hóa của đạm, đường hay chất béo. Đây đều là những bệnh lý có thể trở nặng rất nhanh sau khi cho trẻ bú sữa, có thể gây ngộ độc, tử vong ở trẻ. Ngoài xét nghiệm máu gót chân, mẹ nên làm thêm những xét nghiệm về gene để tìm nguyên nhân. Trong thời gian đầu nhập viện, trẻ sẽ được đưa tới khoa hồi sức sơ sinh để truyền dịch, theo dõi, không uống sữa mẹ mà sẽ uống sữa có thành phần không nguy hiểm cho trẻ.
6. Hội chứng truyền máu song thai
Em bầu 27 tuần, bị hội chứng truyền máu song thai, một bé chỉ nặng 800gram, bé còn lại được 1.200 gram. Em muốn cố gắng để dưỡng bé thêm, nhưng nguy cơ lưu thai có thể mất cả hai. Xin hỏi bác sĩ có cách nào cứu được hai bé không ạ? (Khán giả Hoa Binh gửi câu hỏi đến fanpage Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh).
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa: Truyền máu song thai là trường hợp xảy ra ở thai đôi, hai thai nhi có chung bánh nhau nhưng có 2 buồng ối. Tỷ lệ xảy ra biến chứng này là 1/10.000 trường hợp mang thai, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Bạn cần thăm khám thai định kỳ theo đúng hướng dẫn để bác sĩ theo dõi và xác định thời điểm phù hợp phải dừng thai nghén. Quyết định này sẽ có sự phối hợp giữa Sản với Sơ sinh thì sẽ giúp trẻ có cơ hội sống cao hơn. Một số phương pháp khác có thể được chỉ định như: laser, đốt mạch máu thông giữa 2 bánh nhau… Nhưng dù biện pháp nào thì bạn cũng nên đi khám và bác sĩ sẽ quyết định tùy vào tình hình cụ thể.
7. Bơm Surfactant sau sinh
Em mang thai 27 tuần 3 ngày, siêu âm được 1kg, tim thai bất ổn, bác sĩ phải đẩy mổ cấp cứu khẩn, không kịp tiêm trưởng thành phổi. Bé vừa chào đời chỉ được 700 gram, phải nằm lồng ấp. Xin hỏi bác sĩ trường hợp con sẽ phải nằm trong lồng ấp bao lâu? Những bé không được tiêm trưởng thành phổi trước thì có thể tiêm sau sinh không? (Khán giả An An gửi câu hỏi đến fanpage Truyền hình Vĩnh Long).
ThS. BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh: Tiêm trưởng thành phổi, còn được gọi là liệu pháp corticosteroid trước sinh) có tác dụng giúp trẻ trưởng thành phổi sớm hơn, giảm tỷ lệ xuất huyết não. Tiêm trưởng thành phổi là tiêm cho người mẹ, có tác dụng lên thai nhi. Khi trẻ đã ra đời thì không thực hiện phương pháp này nữa, mà sẽ có những phương pháp khác để hỗ trợ thở, giúp phổi trẻ tiếp tục được trưởng thành. Trẻ sẽ được hỗ trợ hô hấp sớm, tùy tình trạng có thể cân nhắc bơm Surfactant.
Ở đây, trẻ sinh khá non nên thân nhiệt dễ bị hạ, cần được nằm lồng ấp để đảm bảo thân nhiệt, độ ẩm, không bị mất nước. Đến khi trẻ khỏe mạnh hơn, đạt được cân nặng 1.6 – 1.7kg, thân nhiệt ổn định sẽ được ra bên ngoài. Sau đó, trẻ được chăm sóc bằng “lồng ấp tự nhiên” đó là phương pháp ấp Kangaroo. Phương pháp này giúp đảm bảo thân nhiệt cho trẻ và đặc biệt, chính nhịp thở của mẹ sẽ kích thích trẻ thở tốt hơn, tiếng tim đều đặn của mẹ như tiếng ồn trắng giúp trẻ ổn định hơn và tăng tình cảm giữa 2 mẹ con.
8. Thủng ruột tự phát điều trị như thế nào?
Con em sinh non 29 tuần, nặng 1,3kg, chào đời được 3 ngày phát hiện bụng chướng, hình ảnh X-quang có hơi tự do trong ổ bụng, bác sĩ chẩn đoán nguy cơ thủng ruột tự phát. Bác sĩ có tư vấn phương pháp điều trị thủng ruột tự phát: can thiệp phẫu thuật mở hoặc đặt dẫn lưu ổ bụng. Bé còn quá nhỏ, em rất lo nếu phẫu thuật, bé có thể vượt qua không? (Khán giả Tan Tan gửi câu hỏi đến fanpage BVĐK Tâm Anh).
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Trẻ 3 ngày tuổi, chưa có dinh dưỡng nhiều nhưng được chẩn đoán thủng ruột tự phát. Tình trạng này thường do cơ thành ruột bẩm sinh mỏng với nhu động ruột và lượng sữa ăn vào có thể gây kích ứng, khiến trẻ bị thủng ruột. Thủng ruột tự phát bẩm sinh có thể xảy ra rất sớm, từ 2 – 3 ngày đầu sau sinh.
Với sự tiến bộ của ngành Hồi sức Sơ sinh, tính đến nay, tại BVĐK Tâm Anh đã phẫu thuật thành công nhiều trường hợp thủng ruột ở trẻ sinh non, rất non. Tỷ lệ cứu sống thành công khá cao. Do đó, bạn có thể đưa trẻ đến BVĐK Tâm Anh để được bác sĩ khám và tư vấn, cũng như có can thiệp sớm và phù hợp.
Thủng ruột ở trẻ sơ sinh, nhất là sinh non thường do viêm ruột hoại tử. Nguyên nhân gây viêm ruột hoạt tử ở trẻ sinh non là do sức miễn dịch trẻ yếu, dễ nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài, nhiễm khuẩn vào đường tiêu hóa gây viêm ruột do vi khuẩn. Không chỉ vậy, trẻ sinh non có lưu lượng máu đến ruột kém, có thể có những bất thường từ hệ thống tim mạch, làm huyết áp không ổn định, lưu lượng máu nuôi ruột giảm từ đó tăng nguy cơ thủng ruột. Cách phòng ngừa chính là tiêm một hoạt chất corticoid cho bà mẹ để giúp phổi trẻ trưởng thành hơn, bảo vệ ruột tốt hơn, giảm nguy cơ ruột hoại tử. Vậy nên, mẹ có nguy cơ sinh non nên tiêm thuốc trưởng thành phổi, sau sinh thì nên cho con bú mẹ hoàn toàn.
9. Thai quay ngôi thuận, phù chân ở tuần thứ 32
Vợ em chuẩn bị sinh con đầu lòng, hiện tại đã được 32 tuần. Sau khi đi khám thai định kỳ, bác sĩ bảo em bé đang quay ngôi thuận, hôm sau thì phát hiện phù chân lần đầu trong suốt thai kỳ. Xin hỏi bác sĩ tình trạng này có đáng lo không và có nguy cơ sinh non không ạ? (Khán giả Phát Huỳnh gửi câu hỏi đến Youtube Báo Thanh Niên).
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa: Cơn co tử cung chính là động lực của cuộc chuyển dạ. Nếu chưa có cơn co tử cung thì cổ tử cung không có sự biến đổi, không mở nên cần đánh giá lại vấn đề này. Bé quay đầu là hiện tượng bình chỉnh ngôi thai, thường xảy ra ở những tháng cuối thai kỳ, giúp cuộc sinh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu cơn co này xảy ra thường xuyên thì đó là dấu hiệu của sinh non. Để chắc chắn hơn là cơn co đến từ đâu, bạn nên đưa vợ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác hơn và có phương án điều trị phù hợp.
10. Bất đồng nhóm máu mẹ – con & thiếu máu thai kỳ
Em tiền sử 2 lần lưu thai vì bất đồng nhóm máu mẹ con. Mẹ có nhóm máu Rh(-), thai nhi nhóm máu Rh(+). Bây giờ mang thai 24 tuần, bác sĩ cảnh báo thai nguy cơ bất đồng nhóm máu mẹ con, dẫn tới thiếu máu, chết lưu. Xin hỏi bác sĩ, trường hợp em có thể truyền máu trong tử cung qua dây rốn cứu thai nhi không? nếu được can thiệp, có thể giữ thai được đủ tháng không? (Khán giả Nhân Hạnh gửi câu hỏi đến fanpage IVF Tâm Anh).
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa: Thông thường những trường hợp này sẽ không gây ra vấn đề gì ở lần mang thai đầu tiên. Tuy nhiên khi sinh máu mẹ và máu con có sự tiếp xúc (máu con RH+ sẽ đi vào cơ thể mẹ, và cơ thể mẹ tạo ra những kháng thể phá hủy hồng cầu của con) nên những lần mang thai sau sẽ rất rủi ro. Lúc này, cần áp dụng phương pháp tiêm Immunoglobulin miễn dịch để trung hòa lượng kháng thể trong cơ thể mẹ, để lần mang thai sau an toàn hơn. Mũi tiêm đầu tiên sẽ tiêm vào khoảng 28 tuần, và liều thứ 2 tiêm sau khi sinh 72h.
Nếu khi mang thai bị thiếu máu, bác sĩ sẽ thăm khám và đánh giá xem trẻ có dị tật gì không, bệnh mẹ như nào, có bất thường gì khác không… Qua đó, cân nhắc truyền máu trong tử cung nếu cần thiết.
11. Xuất huyết não & Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy ở trẻ sinh non
Con em sinh non 34 tuần, nặng 2,6kg, sinh ngạt, thở yếu nên phải chuyển đến NICU chăm sóc. Bác sĩ thông báo bé viêm phổi, xuất huyết não độ 3. Xin hỏi bác sĩ với tình trạng này, bé có thể mắc những di chứng nào về sau? (Khán giả Tram Mi gửi câu hỏi đến fanpage VnExpress).
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Xuất huyết não có 4 độ, con bạn thuộc độ 3 cũng hơi nặng, có giãn não thất, xuất huyết não trong chất não, nhu mô não. Lúc này, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 40 – 45%. Di chứng về sau khá nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như: động kinh, chậm phát triển về tâm thần vận động.
Tại Trung tâm Sơ sinh, BVĐK Tâm Anh, đối với những trường hợp sinh non, não thiếu oxy, thiếu máu, trẻ sẽ được điều trị bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy. Thân nhiệt trẻ sẽ hạ xuống còn khoảng 33 – 34 độ bằng các thiết bị đặc biệt, mềm có luồng nước lạnh, quấn toàn thân em bé. Phương pháp này sẽ được thực hiện sớm trong vòng 6h đầu sau sinh, kéo dài trong vòng 72h nhằm làm chậm tốc độ chuyển hóa, giúp não giữ được oxy để có thời gian hồi phục. Hạ thân nhiệt chỉ huy sẽ có hiệu quả cao khi áp dụng cho những trẻ trên 36 tuần; trẻ sinh quá non thì hiệu quả sẽ không nhiều.
12. Võng mạc non vùng 3 có nguy hiểm không?
Bé em sinh non 26 tuần, khám mắt lần đầu đánh giá võng mạc non vùng 3. Xin hỏi bác sĩ mất bao lâu để trưởng thành, sau này thị lực mắt con có kém không? em cần cho bé theo dõi như thế nào? (Khán giả Thảo Linh gửi câu hỏi đến Youtube BVĐK Tâm Anh).
ThS. BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh: Võng mạc ở trẻ sinh non chưa trưởng thành. Khi được sinh ra, gặp thêm các yếu tố môi trường và các can thiệp điều trị, võng mạc trẻ có nguy cơ tổn thương nhiều hơn. Tổn thương được chia làm 3 vùng. Võng mạc non vùng 3 được xem là nhẹ nhất. Tuy nhiên, bạn chưa cung cấp rõ giai đoạn bệnh của trẻ. Nếu trẻ bị ở giai đoạn 1 – 2 thì sẽ đỡ lo lắng hơn, còn độ 3 – 4, trẻ cần được kiểm tra kỹ hơn.
Việc thăm khám và điều trị sẽ có sự kết hợp giữa bác sĩ Mắt và bác sĩ Sơ sinh để xác định vùng tổn thương, giai đoạn bệnh, mức độ tiến triển bệnh. Gia đình mình cũng có thể tạm yên tâm vì trẻ ở vùng 3 và cần tuân thủ theo quy trình theo dõi của bác sĩ. Thị lực của trẻ vẫn sẽ được tiếp tục theo dõi khi lớn lên (khoảng 1 tuổi), để xem trẻ có bị ảnh hưởng gì không cũng như cần có những can thiệp nào.
13. Vàng da ở trẻ sinh non có nguy hiểm không?
Bác sĩ cho em hỏi bé nhà em sinh non 31 tuần, đến tuần 34 được xuất viện. Em về nhà mới phát hiện vàng da với vàng mắt. Nay đã 21 ngày rồi mà tình trạng vàng da với mắt vẫn còn. Xin hỏi bác sĩ trẻ sinh non bị vàng da có nguy hiểm không và thường là do những nguyên nhân gì và cách điều trị? (Khán giả Trúc Thi gửi câu hỏi đến fanpage VNVC).
ThS. BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh: Trẻ sinh non sẽ có nguy cơ vàng da cao hơn trẻ sinh đủ tháng. Vàng da trên 21 ngày được gọi là vàng da kéo dài, cần làm xét nghiệm chuyên sâu để xác định nguyên nhân có phải đến từ các bệnh lý: suy giáp trạng, gan mật, rối loạn chuyển hóa… Ở trường hợp này, bạn nên đưa con trở lại bệnh viện để được các sĩ thăm khám và can thiệp phù hợp, hạn chế ảnh hưởng về sau cho trẻ.
14. Test chẩn đoán sinh non
Em có tiền sử sinh non chưa rõ nguyên nhân, hiện đang mang thai bé thứ 2 được 14 tuần, xin hỏi bác sĩ có xét nghiệm nào dự đoán nguy cơ sinh non? (Khán giả An Chi gửi câu hỏi đến fanpage Trung tâm Sản Phụ khoa).
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa: Sinh non được tính ở những trẻ được sinh ra khi tuổi thai từ 22 tuần đến trước 37 tuần. Trường hợp trẻ được sinh ra khi thai dưới 22 tuần được gọi là sảy thai. Nếu người mẹ có cơn co tử cung thì mới thành lập đầu ối, mở cửa tử cung. Bạn nên đi khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để bác sĩ đánh giá trên lâm sàng, siêu âm độ dài cổ tử cung, lỗ trong cổ tử cung đóng hay mở và có thể đo monitor theo dõi cơn co tử cung. Từ đó, sẽ đánh giá được bạn có nguy cơ sinh non hay không và có biện pháp xử trí kịp thời. Các loại xét nghiệm chỉ có tác dụng hỗ trợ dự đoán xem mẹ có nguy cơ sinh non hay không.
15. Trẻ sinh non bị nhiễm trùng huyết
Em bị dọa sanh non, cổ tử cung thấp và sau vài ngày thì rỉ ối chỉ định mổ bắt con. Con sanh ra khi mới 28 tuần, nặng 1,2kg thì bị nhiễm trùng sơ sinh và phải chuyển về một bệnh nhi nằm phòng hồi sức. Xin hỏi bác sĩ bé sinh non bị nhiễm trùng huyết có thể chữa không, điều trị trong bao lâu có thể khỏi? (Khán giả Phạm Minh Anh gửi câu hỏi đến fanpage VTV8).
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Trẻ sinh non trên 1.5kg bị nhiễm khuẩn, khả năng cứu sống cao, tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 3,5%. Nhưng nếu nhiễm khuẩn xảy ra ở trẻ sinh non dưới 1.5kg, khả năng tử vong tăng gấp 10 lần, khoảng 35% nên vấn đề điều trị sẽ khó khăn hơn.
Với những trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn huyết có khoảng 30-40% trẻ không chỉ nhiễm khuẩn trong máu mà vi khuẩn còn xâm nhập vào màng não, gây viêm màng não – biến chứng cực nặng nề, làm kéo dài thời gian điều trị.
- Nếu trẻ chỉ nhiễm khuẩn huyết, thời gian điều trị kháng sinh rơi vào khoảng 14 ngày.
- Nếu trẻ nhiễm khuẩn huyết kèm theo viêm màng não, thời gian điều trị có thể lên đến 21 – 28 ngày.
Vì vậy, cần phải nhanh chóng xác định được vi khuẩn gây bệnh bằng cách cấy máu tìm tác nhân nhiễm khuẩn là do vi trùng gì, nhạy với kháng sinh nào. Trường hợp kháng kháng sinh, trẻ cần phải đổi sang một loại kháng sinh khác.
16. Trẻ bị thiểu sản vành tai trái có nguy cơ bị điếc không?
Bé nhà em sinh non 28 tuần, chào đời thiểu sản vành tai trái, ⅓ tai trên bị thiếu, phần dưới phát triển bình thường. Trước xuất viện về nhà, bé được đo thính lực nhưng một bên tai bị thiểu sản không thể đo được thính lực, tai phải bình thường. Như vậy có phải con em nguy cơ sẽ điếc một bên tai không? (Khán giả Thu Phương gửi câu hỏi đến fanpage Nutrihome – Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động).
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Một số nguyên nhân khiến trẻ không đo được thính lực trong lần đầu tiên như: trong tai trẻ có chất nhầy, chất dịch tiết chưa được làm sạch. Thường thì hẹn sau 1 tháng, bác sĩ sẽ đo lại thính lực lần hai cho trẻ và nhiều trường hợp đo lại lần 2 bình thường. Vậy nên, ở lần đầu tiên chỉ tầm soát chứ không khẳng định. Nếu lần 2 vẫn đo không được trẻ sẽ được chuyển đến chuyên khoa Tai Mũi Họng làm những xét nghiệm chuyên sâu, từ đó xác định xem trẻ có cần điều trị trợ thính hay không. Những can thiệp sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng đầu đời nên trẻ vẫn còn thời gian để quay lại đo lần 2.
17. Xơ phổi có nguy hiểm không?
Con em sinh 28 tuần, nay được 35 tuần rồi, bị xơ phổi đang nằm viện. Bệnh này nguy hiểm không? Em có thể chuyển con sang Tâm Anh không do em lo lắng con bị nhiễm trùng chéo ở viện. (Khán giả Ngọc My gửi câu hỏi đến fanpage VnExpress).
ThS. BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh: Ở trường hợp này, trẻ có nguy cơ bị phổi mạn tính, cần có những biện pháp hỗ trợ hô hấp để đảm bảo oxy trong máu ổn định và phải đảm bảo về mặt dinh dưỡng để trẻ có năng lượng phát triển tốt hơn.
BVĐK Tâm Anh có sự đầu tư đầy đủ về máy móc, trang thiết bị, nhân lực điều trị những bệnh lý Nhi – Sơ sinh. Tại đây cũng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp trẻ được sinh ra ở một bệnh viện khác, vậy nên bạn có thể đưa con đến BVĐK Tâm Anh để tiếp tục điều trị.
Về vấn đề phòng lây nhiễm chéo, đây cũng chính là một tiêu chí được BVĐK Tâm Anh chú trọng. Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm chéo nghiêm ngặt. Trẻ sẽ được cách ly, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Tất cả các dụng cụ y tế được sử dụng đều sẽ được khử trùng cẩn thận. Bệnh viện có khoa Nhiễm khuẩn, thường xuyên kiểm tra chất lượng để hạn chế tối đa việc nhiễm khuẩn chéo. Hầu hết các trẻ, thậm chí là trẻ sinh non chỉ cần dùng kháng sinh trong ngày đầu sau sinh, và không tái sử dụng lại kháng sinh. Tỷ lệ viêm phổi ở trẻ tại bệnh viện cũng thấp hơn nhiều nhờ công tác chống nhiễm khuẩn này.
18. Dự phòng sinh non
Thưa bác sĩ, sinh non có dự phòng được không? Ở những trường hợp nào nào có nguy cơ cao sinh non và cần chăm sóc thai kỳ như thế nào? Có kế hoạch sinh nở như thế nào ạ? (Khán giả Phương Hạnh gửi câu hỏi đến fanpage Trung tâm Sản Phụ khoa).
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa: Nếu tìm được nguyên nhân gây sinh non và giải quyết sớm thì sẽ hạn chế được tình trạng này. Ví dụ, người mẹ có tử cung nhi tính, không thể giãn thì khó giữ cho thai nhi được đủ tháng. Lúc này, bác sĩ sẽ cố gắng giữ lại thai nhi bằng cách dùng thuốc để tử cung giãn và cầm cự lâu nhất có thể. Hay những trường hợp viêm âm đạo, viêm tử cung tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không giải quyết sẽ dẫn đến viêm ối, vỡ ối non, phải cho thai ra. Hoặc những bệnh lý toàn thân, lupus ban đỏ, thận, tim khiến cơ thể người mẹ không khỏe nên không thể giữ thai nhi đủ tháng. Hay bệnh viêm nha chu cũng có nguy cơ dẫn đến sinh non.
Vậy nên, cần thăm khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ và khám phụ khoa định kỳ. Trong quá trình mang thai, bác sĩ sẽ khám và đánh giá về mặt lâm sàng, cận lâm sàng: tử cung có cơn co không hay tình trạng cổ tử cung, bệnh lý toàn thân của người mẹ. Từ đó, có chỉ định dùng thuốc phù hợp hoặc yêu cầu nhập viện theo dõi. Nếu có nguy cơ cao mẹ sẽ được tư vấn thuốc trưởng thành phổi để phổi trẻ trưởng thành hơn. Khi có nguy cơ sinh non, ekip Sản sẽ trao đổi với bác sĩ Sơ sinh để chuẩn bị lồng ấp, máy thở cho cuộc sinh, nhằm hỗ trợ trẻ ngay sau khi chào đời, trong giai đoạn giờ vàng.
19. Vitamin D cho trẻ sinh non
Bé em được 1 tháng tuổi, sinh non 34 tuần. Uống vitamin D3 400UI ngày 3 giọt nhưng quấy khóc nhiều, ra mồ hôi đầu, ngủ không ngon giấc. Bác sĩ cho em hỏi dùng vitamin D3 nên dùng liều bao nhiêu giọt cho bé sinh non ạ? Ngoài vitamin D3 ra bé cần bổ sung vi chất nào khác không? (Khán giả Thanh Trúc gửi câu hỏi đến fanpage BVĐK Tâm Anh).
ThS.BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh: Bé sinh non muộn 34 tuần cũng gần như em bé sinh đủ tháng. Việc bổ sinh vitamin D3 là cần thiết cho mọi em bé sơ sinh. Liều thông thường là 400 đơn vị/ngày. Nhưng theo lời mẹ kể, em bé có biểu hiện giống với việc thiếu vitamin D, nhưng cũng có thể là dấu hiệu những tình trạng khác. Do vậy, để xác định xem em bé có thiếu vitamin D không? cần tăng liều không? mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được bác sĩ khám và tư vấn phù hợp hợp. Trẻ có thể được yêu cầu thực hiện xét nghiệm định lượng vitamin D nếu cần thiết.
20. Còn ống động mạch chủ
Con em sinh non lúc 28 tuần, bé mới được 6 ngày. Bác sĩ có nói con còn động mạch chủ chưa đóng, vàng da đang phải chiếu đèn. Xin hỏi bác sĩ, nếu trường hợp sau 7 ngày tuổi mà động mạch chủ của bé chưa đóng được thì có cần có can thiệp y tế gì không ạ? Ngoài ra mong bác chia sẻ kinh nghiệm chăm bé tại nhà ạ? (Khán giả Thiên Trang gửi câu hỏi đến fanpage Đài truyền hình Vĩnh Long).
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Còn ống động mạch chủ là một tình trạng thường gặp ở trẻ sinh non. Tỷ lệ trẻ sinh non ở 7 ngày tuổi tự đóng được chỉ khoảng 41%, đến 5 tuổi là 80%. Quyết định can thiệp trong trường hợp còn ống động mạch sẽ dựa vào triệu chứng, đánh giá kích thước, nếu trẻ vẫn bú, thở tốt, tiêu sữa tốt sẽ được theo dõi thêm xem có tự đóng được hay không. Bởi việc điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật đóng đầu gây nên những tác dụng phụ cho trẻ.
Trường hợp trẻ cần hỗ trợ hô hấp thì sẽ ưu tiên điều trị bảo tồn cho trẻ trước, hạn chế dịch truyền không quá nhiều. Đến khi 7 ngày tuổi nếu trẻ vẫn còn hỗ trợ thở máy xâm lấn do ống động mạch ảnh hưởng đến đường thở, trẻ cần được xem xét dùng thuốc để đóng ống động mạch.
21. Phác đồ giờ vàng cho trẻ sinh non
Em nghe nói phác đồ giờ vàng được sử dụng cho trẻ sinh non thiếu tháng. Xin bác sĩ giải thích thêm việc áp dụng phác đồ giờ vàng tại bệnh viện như thế nào? Trường hợp nào được hỗ trợ. Ngoài ra, trẻ sinh non có được cắt rốn muộn hay không? Em đang bầu 6 tháng, cổ tử cung ngắn, bác sĩ chẩn đoán khả năng sinh non cao nên em rất quan tâm đến vấn đề này. Mong bác sĩ tư vấn giúp em ạ! (Khán giả Hồng Thắm gửi câu hỏi đến website BVĐK Tâm Anh).
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Phác đồ giờ vàng mang đến nhiều lợi ích cho trẻ, giúp trẻ tránh được một số biến chứng về sau. Phác đồ được áp dụng trước khi sinh, bao gồm tiêm trưởng thành phổi cho người mẹ nhằm bảo vệ phổi cho trẻ, truyền Magie sulfat cho người mẹ sinh non để bảo vệ não của trẻ. Phác đồ giờ vàng phải tuân thủ các điều kiện:
- Giữ ấm cho trẻ trong phòng sinh;
- Hỗ trợ thở áp lực dương không xâm lấn ngay tại phòng sinh nhằm giúp phổi trẻ được nở, thông khí;
- Kẹp rốn muộn giúp trẻ nhận thêm lượng máu từ mẹ qua trẻ nhằm giảm tỷ lệ truyền máu sau sinh và xuất huyết não.
22. Rỉ ối
Em bị rỉ ối từ 28 tuần, hiện thai được 32 tuần nặng 1600gr, bé được tiêm mũi trưởng thành phổi, hiện giờ ối còn 40mm, chỉ số bạch cầu chưa tăng cao thì có thể tiếp tục giữ bé thêm 1-2 tuần trong tử cung không? Mức ối 40mm có nguy hiểm gì cho bé không? (Khán giả giấu tên gửi câu hỏi đến fanpage Nutrihome – Trung tâm Dinh dưỡng – Y học Vận động).
BS.CKII Phạm Thị Vạn Xuân, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa: Nước ối là môi trường bao quanh thai nhi, giúp bảo vệ thai nhi bị sang chấn, và cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Khoảng gần sinh (thai được 40 tuần), nước ối còn khoảng 800ml. Ở đây, lượng nước ối là 40mm thì thai trong tử cung có thể chậm phát triển, nguy cơ sinh non cao. Dây rốn bị chèn ép giữa thành tử cung với thai nhi, dẫn đến thai nhi có thể tống phân su ra trong buồng tử cung (suy thai). Thông tin bạn cung cấp chưa đủ dữ liệu để khẳng định có nên giữ bé được thêm không vì chưa xác định được bệnh lý ở người mẹ, nhịp tim thai hay thai có suy không. Để đưa ra quyết định phù hợp và tốt nhất cho mẹ và bé, bác sĩ Sản và Sơ sinh sẽ thảo luận dựa vào tình trạng cụ thể, kết quả thăm khám thực tế.
Tại BVĐK Tâm Anh, thai phụ bị rỉ ối nhập viện sẽ đánh giá, xác định xem tình trạng này có đúng là rỉ ối không hay nước ối giảm do những nguyên nhân khác. Nếu đúng là rỉ ối, bác sĩ sẽ đánh giá toàn trạng của người mẹ, theo dõi định kỳ tình trạng nước ối, kiểm tra có viêm nhiễm ở âm đạo không (vì có thể do viêm nhiễm ngược dòng – từ âm đạo qua cổ tử cung lên thai và dẫn đến nhiễm trùng cả mẹ và con). Những trường hợp như vậy sẽ tùy thuộc vào tình trạng mà quyết định lúc nào nên tiêm trưởng thành phổi, lúc nào truyền Magie sunfat để phổi thai nhi trưởng thành, vừa bảo vệ não thai nhi, tránh nguy cơ sinh non. Nếu có cơn co tử cung sẽ dùng thuốc để giảm cơn co.
23. Di chứng chậm phát triển
Cháu nhà em sinh non khi thai 7 tháng, lúc sinh cháu chỉ nặng 1,2kg. Hiện 2 tuổi, đi học giáo viên bảo cháu không tập trung, tiếp thu kém, em lo cháu bị di chứng chậm phát triển. Mong bác sĩ tư vấn giúp em làm sao để phát hiện sớm bệnh và nên điều trị thế nào ạ. (Khán giả Hoàng Anh gửi câu hỏi đến fanpage BVĐK Tâm Anh).
ThS. BS Nguyễn Thu Vân, Phó khoa Sơ sinh: Mặc dù trẻ sinh non, nhẹ cân nhưng để đánh giá tình trạng trẻ, bác sĩ cần phải xem xét lại những vấn đề xảy ra ở giai đoạn sơ sinh trẻ có gặp phải không như: suy hô hấp kéo dài, xuất huyết não… Đánh giá trẻ ở 2 tuổi về vấn đề tập trung khá khó. Trẻ cần đánh giá ở những mốc phát triển dành riêng cho trẻ sinh non: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 tuổi, 2 tuổi thì mới có thể tiên lượng được sự phát triển của trẻ về sau này. Về sự phát triển tâm thần vận động của trẻ, gia đình nên cho trẻ gặp các chuyên gia để đánh giá chính xác nhất, sẽ có những thang điểm, bài kiểm tra để đánh giá phù hợp cho trẻ.
24. Phương pháp chăm sóc lấy gia đình làm trung tâm (Family-centered care)
Ở nước ngoài, bé sinh non sẽ được tăng thêm động lực chiến đấu bệnh tật nhờ mô hình nuôi trẻ sinh non gắn kết với gia đình (Family-centered care). Mô hình này cho phép gia đình bước vào phòng NICU để nói chuyện, chăm sóc, da kề da sớm với trẻ. Xin bác sĩ nói rõ hơn về phương pháp này và hiện được triển khai ở Việt Nam chưa ạ? (Khán giả Dương Thị Thương gửi câu hỏi đến fanpage IVF Tâm Anh).
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Chăm sóc lấy gia đình làm trung tâm (Family-centered care) là một mô hình mới hiện đang được áp dụng ở các nước phát triển trên Thế giới. Hiện nay, tại BVĐK Tâm Anh cũng đã triển khai mô hình này, động viên ba mẹ vào chăm sóc bé.
Bé sinh non cần được điều trị tại khoa hồi sức đặc biệt, nên việc cách ly không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý ba mẹ, mà bé cũng ảnh hưởng nhiều. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được khi được cả gia đình cùng chăm sóc, bé sẽ phát triển tốt hơn, tình trạng sức khỏe hạn chế trở nặng. Ba mẹ sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn, huấn luyện về cách chăm sóc an toàn cho bé, hướng dẫn da kề da, tư thế bế bé đúng cách, tránh cho bé không bị gập cổ, tập phản xạ bú cho con, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, phòng chống nhiễm khuẩn, hướng dẫn xử trí những vấn đề xảy ra với bé như sặc sữa, nôn trớ…
25. Lời khuyên chăm sóc thai kỳ & phòng ngừa sinh non
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh: Mặc dù sinh non không có biện pháp phòng ngừa nhưng khi mang thai cần lưu ý một số điểm có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này như:
- Khám thai thường xuyên, định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để có thể phát hiện ra một số bệnh lý: tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, hở eo tử cung hay những vấn đề tâm lý.
- Hạn chế hít khói thuốc lá thụ động.
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
- Phòng ngừa nhiễm khuẩn, vệ sinh tay thường xuyên trong sinh hoạt, ăn chín uống sôi…
- Chuẩn bị tâm lý tốt cho hành trình mang thai và cuộc sinh sắp tới.
Nếu có thêm bất cứ băn khoăn, lo lắng nào, Quý vị có thể tiếp tục gửi về BVĐK Tâm Anh bằng cách đặt câu hỏi ở phần Hỏi đáp tại website tamanhhospital.vn, inbox cho fanpage BVĐK Tâm Anh, hoặc liên hệ Tổng đài của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 024 7106 6858 – 024 3872 3872 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 – 093 180 6858 (tại TP.HCM) để được tư vấn chi tiết.
Xin chào và hẹn gặp lại trong những chương trình Giao lưu trực tuyến lần sau.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.