Thụ tinh ống nghiệm chuyển một phôi đậu thai đôi
Chị Phượng (41 tuổi) không giấu nổi giọt nước mắt hạnh phúc khi đón cặp song sinh chào đời dù chỉ chuyển một phôi vào tử cung bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, trước đó chị tưởng phải xin noãn.
Chạm đến tuổi 40, chị Hoàng Thị Phượng (Hải Phòng) mới kết hôn, sau 1 năm mong con không có kết quả, vợ chồng chị khám vô sinh tại một đơn vị hỗ trợ sinh sản gần nhà. Chị Phượng suy sụp khi được bác sĩ thông báo dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ 0,09ng, cần xin trứng để thực hiện thụ tinh ống nghiệm. Bác sĩ cho biết AMH dưới 0,5ng/ml được đánh giá là cực thấp, không có khả năng mang thai bằng trứng tự thân.
Không từ bỏ khát vọng làm mẹ, chị Phượng động viên chồng từ Hải Phòng lên Hà Nội, tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để khám và điều trị. BS.CKI Lê Đức Thắng, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chị Phượng lớn tuổi, dự trữ buồng trứng ‘chạm đáy’, siêu âm khó quan sát thấy nang trứng thứ cấp, tiên lượng rất khó thu được noãn hoặc phải kích trứng nhiều chu kỳ.
Tuy nhiên, sau cuộc hội chẩn toàn khoa, TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc trung tâm Hỗ trợ sinh sản, khẳng định: “Khó nhưng chưa hết hy vọng”. Tháng 5/2023, chị Phượng được áp dụng phác đồ kích nhẹ buồng trứng, sau 2 chu kỳ thu được 3 noãn.
Nhờ phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), từ 3 nang trứng tạo được 2 phôi ngày 3. “Khâu tiếp theo cần phải kiểm tra buồng tử cung và chuẩn bị niêm mạc kỹ”, PGS Lê Hoàng nhận định.
Trong lúc 2 phôi quý đông lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa ở nhiệt độ – 196 độ C bên trong phòng LAB chuẩn ISO 5, chị Phượng được điều trị tích cực các vấn đề bệnh lý khác.
Tháng 8/2023, chị được phẫu thuật soi buồng tử cung cắt polyp, cắt 2 vòi tử cung vì giãn to. Nội soi ổ bụng cho thấy bề mặt gan của chị Phương dính dạng Chlamydia (bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn chlamydia trachomatis). Bệnh có thể truyền từ ống âm đạo sang bào thai khiến trẻ sinh ra nguy cơ mắc viêm phổi hoặc nhiễm trùng mắt nghiêm trọng nên cần điều trị cho 2 vợ chồng khỏi dứt điểm trước chuyển phôi.
Sau khi chuẩn bị niêm mạc, chị được chuyển một phôi ngày 3 để đảm bảo an toàn thai kỳ cho người mẹ. Kết quả ngoài dự tính, không chỉ có thai, tuần 12 qua siêu âm bác sĩ thông báo chị mang song thai do một phôi phân tách.
Quá trình mang thai thuận lợi, giữa tháng 6 vợ chồng chị đón cặp song sinh khoẻ mạnh chào đời. “Tưởng phải xin noãn để làm thụ tinh ống nghiệm mà giờ được ôm 2 cục vàng trên tay”, chị Phượng hạnh phúc nói.
Bác sĩ Thắng cho biết chuyển một phôi nhưng cho kết quả song thai cùng trứng nhờ phân tách phôi tự nhiên là trường hợp hiếm, tỷ lệ 4/1.000. Tại IVF Tâm Anh tỷ lệ chuyển 1 phôi mang đa thai chỉ khoảng 2%. Phôi phân tách làm 2, làm 3 dẫn đến hiện tượng song thai, tam thai cùng trứng; trẻ sẽ giống nhau hoàn toàn về di truyền và cùng giới tính.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh ưu tiên chuyển một phôi vào tử cung người mẹ tránh đa thai và các rủi ro đa thai chết lưu, sẩy thai, sinh non, nhẹ cân, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, tử vong chu sinh mẹ và con.
Trường hợp của chị Phượng dù chuyển một phôi nhưng vì hiện tượng phân tách phôi mà sinh đôi.
Mang song thai đối với các bà mẹ hiếm muộn là niềm vui, đặc biệt với những bệnh nhân như chị Phượng lớn tuổi, trường hợp AMH cực thấp, chưa từng có con. Tuy nhiên, song thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ và an toàn thai nhi. “Chị Phượng mẹ tròn, con vuông chúng tôi mới có thể thở phào”, bác sĩ Thắng nói.
Nguy cơ truyền máu song thai là 5-20% trong song thai một bánh nhau gây nguy cơ thai lưu lên tới 95%. Dây rốn thắt nút phức tạp cũng dễ xảy ra ở song thai một túi ối, một bánh nhau vì hai dây rốn nằm trong một túi ối.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.