Xác vi khuẩn tạo thành khối u trong bàng quang
Xác vi khuẩn trong các đại thực bào (tế bào bạch cầu ăn vi khuẩn) lâu ngày tạo thành các nốt u nhỏ trên khắp bề mặt bàng quang của bà Q. khiến rối loạn đường tiểu nhiều năm không dứt, đây là tình trạng hiếm gặp: Malakoplakia.
“Ung thư bàng quang thường xuất hiện tại một vài vị trí trong bàng quang, các u dạng chồi có cuống, kích thước lớn nhỏ khác nhau, xung quanh khối u tập trung nhiều mạch máu, mạch máu lớn, ngoằn ngoèo, gọi là hiện tượng tăng sinh mạch máu”, bác sĩ Cương phân tích. Do đó, trường hợp của bà Q. có khả năng do viêm bàng quang u hạt mạn tính hiếm gặp gọi là Malakoplakia.
Thông thường, khi vi khuẩn hay những yếu tố gây bệnh xâm nhập cơ thể, đại thực bào (một loại tế bào miễn dịch) được huy động đến để ăn hết mầm bệnh này. Tuy nhiên, ở bệnh Malakoplakia, chức năng của đại thực bào bị rối loạn, khiến xác vi khuẩn không bị tiêu hủy hoàn toàn, dần tích tụ, tạo thành những tổn thương dạng các nốt nhỏ, mảng bám hay vết loét khắp bề mặt niêm mạc bàng quang.
Malakoplakia có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan, thường gặp nhất ở hệ tiết niệu, đặc biệt là bàng quang, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các cơ quan khác như thận, phổi và ruột. Tình trạng này có liên quan đến nhiễm khuẩn mạn tính ở người bị suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, ung thư, điều trị bằng thuốc corticoid hoặc hóa trị. Đây là bệnh lành tính, có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên, quá trình điều trị thường mất nhiều thời gian, khó khăn do bệnh hiếm gặp, chưa có công thức điều trị chuẩn. Bệnh thường gây rối loạn chức năng bàng quang, nhiễm khuẩn tái phát và có nguy cơ tổn thương thận.
Theo bác sĩ Cương, đây là trường hợp được chẩn đoán mắc Malakoplakia đầu tiên tại khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Bà Q. bị đái tháo đường đã nhiều năm, không nhớ hết số lần đến các bệnh viện điều trị nhiễm trùng tiểu. Mỗi lần bệnh tái phát, bà đều gặp tình trạng tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt kèm những cơn đau tức bụng dưới. Lần này, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với triệu chứng tương tự, mong muốn tìm cách điều trị dứt điểm.
Bà Q. được nội soi bàng quang cắt đốt các u trong bàng quang, sau đó điều trị bằng kháng sinh để xử lý nhiễm trùng tiểu, các thuốc giảm đau và chống co thắt cơ bàng quang làm giảm các triệu chứng kích thích, qua đó cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Dùng ánh sáng xanh để thấy rõ u bàng quang
Thực hiện nội soi cắt đốt u bàng quang cho bà Q. là ê kíp bác sĩ khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM: ThS.BS Nguyễn Tân Cương, Phó khoa và BS.CKI Lý Minh Hoàng. Các bác sĩ đưa dao đốt lưỡng cực có gắn camera nội soi vào bàng quang qua niệu đạo.
Trên màn hình Karl Storz 3D/4K, chế độ Spectra A ánh sáng xanh được kích hoạt, toàn bộ hình ảnh chuyển sang màu xanh, các mạch máu có màu xanh đen. Nhờ đó, ê kíp có thể quan sát rõ hệ thống mạch máu chằng chịt bên dưới niêm mạc bàng quang và những vị trí có nốt u.
Bác sĩ Cương giải thích thông thường nguồn sáng từ thiết bị nội soi phát ra ánh sáng trắng gồm 7 loại tia sáng khác nhau gồm: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Do mạch máu có màu đỏ nên khi ánh sáng trắng từ đèn nội soi chiếu vào, mạch máu sẽ hấp thụ ánh sáng màu đỏ khiến bác sĩ không nhìn thấy rõ, khó phân biệt các vị trí có khối u.
Khi sử dụng chế độ ánh sáng xanh, nguồn ánh sáng đỏ bị loại bỏ, nên khi quan sát trên màn hình nội soi sẽ nhìn thấy các mạch máu chuyển sang màu xanh đậm rõ ràng. Bác sĩ có thể dễ dàng nhận ra vùng có tăng sinh mạch máu bất thường (dấu hiệu có khối u) để loại bỏ sạch u, đảm bảo không bỏ sót, giảm nguy cơ tái phát cho người bệnh.
Hơn nữa, trong lúc phẫu thuật, bác sĩ luân phiên chuyển đổi giữa 2 chế độ ánh sáng xanh (Spectra A) và ánh sáng đỏ (Spectra B). Điều này giúp bác sĩ quan sát các tổn thương và mạch máu ở bàng quang rõ hơn, can thiệp chính xác hơn.
Một ngày sau phẫu thuật, bà Q. được xuất viện. Các bác sĩ cũng khuyên bà phòng ngừa nhiễm trùng tiểu bằng vệ sinh vùng kín đúng cách; uống đủ nước (1,5-2 lít/ngày); hạn chế nhịn tiểu quá lâu; bổ sung thực phẩm giàu chất kháng viêm và tăng cường sức đề kháng (trái cây họ cam, mật ong…); tuân thủ điều trị để kiểm soát tốt đường huyết…
Bác sĩ Nguyễn Tân Cương cho biết nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở những người có cơ địa suy giảm miễn dịch như bệnh đái tháo đường, ung thư… khó điều trị, dễ tái phát. Do đó, khi có triệu chứng như tiểu buốt, tiểu gắt, đau bụng dưới, cần đến bệnh viện điều trị sớm, giảm nguy cơ tái phát và tránh được biến chứng nguy hiểm như tiểu máu, viêm thận bể thận cấp, viêm bàng quang mạn và suy thận.
Hệ thống nhà thuốc Gia Hân là nơi Quý khách hàng yên tâm gửi trọn niềm tin để chăm sóc sức khoẻ cho cả gia đình mình.
Đến với chúng tôi, Quý khách hàng thoải mái trải nghiệm cảm giác mua sắm hàng chính hãng với giá tốt nhất đầy đủ các sản phẩm thuốc tây, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Comments are closed.